Mạng xã hội – Cần thiết hay thiết yếu?

Vai trò của mạng xã hội (MXH) trong kỷ nguyên Internet không chỉ để giải trí, liên lạc. Một sự cố nhỏ hay gián đoạn từ không gian này cũng ảnh hưởng lớn, thậm chí không ít bạn trẻ gần như lệ thuộc vào những lượt thích, chia sẻ, bình luận…; cuộc sống chỉ xoay quanh những cái quẹt, vuốt và lướt.

Lệ thuộc

Trong sự nhạy bén thích ứng của người trẻ với các xu hướng và công nghệ mới, MXH mở ra nhiều kênh để kiếm tiền, xây dựng thương hiệu, kết nối trực tuyến không biên giới…

Sự cố MXH Facebook và các nền tảng liên quan bị gián đoạn tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, vào tối 4-10, khiến nhiều người hoang mang, nhất là giới trẻ. Trên các diễn đàn, website trao đổi kinh nghiệm về công nghệ và máy tính, nhiều bạn trẻ thay nhau hỏi cách khắc phục… nhưng câu trả lời đều không thể, chỉ có thể chờ nền tảng này khắc phục sự cố vào sáng 5-10.

Dùng tạm MXH khác, nhưng Nguyễn Huy Hoàng (26 tuổi, kỹ sư điện, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) vẫn không hài lòng, bởi Facebook có sẵn danh sách bạn bè, thông tin, hình ảnh cá nhân và cái chính là đã “quen tay”.

“Từ ngày chơi Facebook, tôi gần như ít liên lạc với bạn bè qua số điện thoại, sự cố gián đoạn vừa rồi mới thấy mình đúng là quá lệ thuộc vào nền tảng này. Muốn bỏ cũng khó vì bao nhiêu thông tin, hình ảnh kết nối bạn bè lâu nay. Tôi có thể không chơi game, chứ một ngày không vào Facebook thì không chịu nổi, tin tức tôi cũng đọc từ đây chứ ít khi truy cập vào các trang báo”, Hoàng cho biết.

Từ việc ứng dụng những tiện ích của MXH để kết nối và xây dựng kênh kiếm tiền, một bộ phận người trẻ dần lệ thuộc vào đây. Sự cố gián đoạn vài giờ vừa qua đã khiến bạn trẻ hoang mang khi “vật bất ly thân” bỗng chốc “bay màu”.

Mạng xã hội - Cần thiết hay thiết yếu? ảnh 1Nhiều bạn trẻ xây dựng fanpage kiếm tiền từ mạng xã hội, qua việc chia sẻ cuộc sống miệt vườn dung dị. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Hơn một tiếng không vào được Facebook, Phước An (24 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) bắt đầu chán nản mặc dù trong điện thoại đã cài sẵn 2 MXH khác: “Mấy cái này chỉ là phụ thôi, quen tay và tương tác nhiều vẫn là Facebook. Đây cũng là kênh kiếm tiền chính của tôi. Nếu phải khóa trang hay mất tài khoản thì gần như toàn bộ hợp đồng quảng cáo online của tôi phải chấm dứt, liên lạc cũng mất một nửa và xây dựng lại ở một trang MXH khác rất mất thời gian, phải cả năm thì mới có được tương tác đáng kể”.

Đừng tự “nộp” mình

Nhiều ý kiến lên án các ứng dụng tiện ích trên điện thoại thu thập thông tin cá nhân của người dùng, sẵn sàng cho “bay màu” những ứng dụng yêu cầu thông tin riêng. Nhưng nhiều người lại tự “nộp” mình cho MXH, khi bao nhiêu thông tin, hình ảnh cá nhân cứ liên tục đăng đàn chỉ để đếm lượt thích, lượt bình luận…

Sau sự cố bị cắt ghép hình ảnh vào những nhóm giới thiệu thực phẩm chức năng không lành mạnh, Hoàng Thị Thu Hà (23 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) kể: “Tôi chia sẻ nhiều hình ảnh cá nhân lên mạng, rồi kết bạn với người lạ, nên bị lấy hình ảnh để cắt ghép. Sau lần đó, thấy mình sơ hở, tôi cài lại trang cá nhân chỉ còn bạn bè quen biết bên ngoài thôi, người lạ thì xóa hết và cũng hạn chế chia sẻ hình ảnh riêng tư”.

Trong thế giới ảo này, bất kỳ ai cũng có thể nổi tiếng và trở thành một KOL (viết tắt của cụm từ “Key Opinion Leader”, tạm dịch: người dẫn dắt dư luận) bắt đầu kiếm tiền… Càng trau chuốt hình ảnh, video thì càng nhiều tương tác, chính vì thế gần như mọi hoạt động, thông tin cá nhân của một số bạn trẻ cứ bày lên trang cá nhân.

“Nhiều người trẻ dùng MXH lâu dần thành lệ thuộc, chia sẻ một hình ảnh, bài viết mà lượt thích giảm là bắt đầu cuống cuồng tìm cách để tăng tương tác lại. Có bạn trẻ thường chia sẻ hình selfie ở nhà, ở quán cà phê và cả văn phòng làm việc, mặc dù không để địa chỉ nhưng qua hình ảnh selfie đôi khi vô tình có phần tên hay logo công ty phía sau, rất dễ bị lộ thông tin và bị lợi dụng.

Trường hợp này, nhân viên của công ty tôi đã gặp phải, liên tục bị gửi đến những hợp đồng tín dụng “đen”, thư đề nghị thanh toán tiền phạt giao thông…”, chị Phan Tấn Thủy Tiên (32 tuổi, chuyên viên truyền thông) chia sẻ kinh nghiệm.

Những trường hợp như Thu Hà hay chị Thủy Tiên chia sẻ không quá khó để xử lý. Tuy nhiên, trong những tình huống kẻ xấu cố tình tấn công cá nhân thì chuyện vô tư chia sẻ hình ảnh, thông tin trên MXH sẽ thành “miếng mồi” để các đối tượng này nhắm vào.

Trong thời buổi công nghiệp 4.0, không thể phủ nhận những tiện ích của MXH cũng như hiệu ứng lan tỏa những câu chuyện hay, đẹp từ đây rất nhanh và hiệu quả. Nhưng MXH liệu có phải là điều thiết yếu hay chỉ là một kênh cần thiết và có thể thay thế, tất cả phụ thuộc vào thái độ người dùng. Người trẻ hiện đại có những quan điểm sống cởi mở và nhạy bén với công nghệ, nhưng đừng để mình trở nên lệ thuộc vào một thế giới mà chỉ sự cố gián đoạn nhỏ thì gần như mất tất cả từ liên lạc đến việc kiếm tiền.

Nguồn SGGP