Mai vàng, bánh chưng xanh trên đất nước chùa Tháp

Dẫu cuộc sống của nhiều gia đình bà con Việt kiều ở Campuchia còn gặp khó khăn, nhà nào cũng cố gắng mấy ngày Tết có sắc mai vàng, trên bàn thờ bày mâm ngũ quả cùng món ăn truyền thống, thắp nén nhang thơm tưởng nhớ, biết ơn ông bà tổ tiên.


Anh Lê Khải Châu (trái) chào bán mai.

Chiều 29 Tết, nhiều khu chợ, góc phố ở Thủ đô Phnom Penh nhộn nhịp hoạt động mua bán hoa tươi, nhất là mai vàng. Mai được chuyển nhiều từ các tỉnh miền nam nước ta sang bán.

Trên vỉa hè đường Kampuchea Krom gần ngã tư cắt với đường Mao Tse Tung, anh Lê Khải Châu hồ hởi chào bán những chậu mai vàng với các khách hàng đang ngắm nghía, hỏi mua.

Quê ở Tiền Giang, biết tiếng Khmer, tranh thủ dịp Tết Nguyên đán năm nay, anh Châu phụ giúp một thương nhân người Campuchia đưa mai từ TP Hồ Chí Minh sang bán ở nơi này.
Anh Châu cho biết, khách mua hàng của anh không chỉ có cộng đồng người Việt, mà còn có không ít người Campuchia.

Vừa thương lượng thành công, mua được một chậu mai với giá 20 USD, anh Samnang cho biết: “Tết năm mới cổ truyền Chol Chnam Thmay của đất nước chúng tôi vào giữa tháng tư hằng năm, nhưng mấy năm nay, tôi luôn mua mai vào dịp Tết Nguyên đán với mong muốn cầu tài lộc”.

Chơi mai với mong muốn cầu an, cầu lộc đã tạo nên nét văn hóa mới tại đất nước Chùa Tháp vào mỗi dịp đón Xuân mới.

Ngoài mai trồng chậu, ở nhiều khu chợ của thủ đô Phnom Penh còn có mai nhựa chuyển từ miền nam nước ta sang cũng được chào bán nhiều. Với những bà con có hoàn cảnh khó khăn, chỉ cần có một cành mai nhựa trong ngày Tết cũng làm vơi nỗi nhớ quê nhà.

Năm nào, gia đình anh Lê Đầy (ngồi giữa) cũng tổ chức gói bánh chưng.

Ngày Tết ở Phnom Penh không thiếu những món ăn mang đậm hương vị Việt như bánh chưng, bánh tét, mứt gừng, mứt sen, hầu hết được đưa từ Việt Nam sang. Những món ăn này được bày bán nhiều tại các chợ quận và một số siêu thị của người Việt.

Cũng có những gia đình thân quen nấu chung nồi bánh chưng xanh. Định cư ở Campuchia đã 36 năm qua ở quận Sen Sok, năm nào Tết đến, gia đình anh Lê Đầy cũng quây quần gói bánh chưng cùng một số bà con quen biết.

Anh Đầy tâm sự: “Tuy rằng ở phương xa, nhưng đã thành truyền thống, năm nào gia đình chúng tôi cũng gói bánh chưng Tết để cúng ông bà tổ tiên. Đây cũng là dịp để con cháu hiểu được những nét đẹp phong tục tập quán ngày Tết nơi quê cha đất Tổ”.

Nguyên liệu để làm bánh chưng ở Phnom Penh không thiếu, ngoại trừ lá dong xanh. Hằng năm, anh Đầy phải đặt mua lá dong từ TP Hồ Chí Minh chuyển sang.

Nhân dịp sắp sang năm mới Đinh Dậu, anh Đầy gửi lời chúc bà con cộng đồng người Việt ở trong nước cũng như ở khắp nơi trên thế giới một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và an khang thịnh vượng.

Ngày nay, nhiều tỉnh, thành phố của Campuchia đều có người gốc Việt sinh sống, đông nhất ở Thủ đô Phnom Penh, tỉnh Kandal, Prey Veng, Kampong Chnang, Siem Reap, Battambang. Những nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán của người Việt được bà con gìn giữ, tạo hành trang cho con cháu xây dựng cuộc sống tương lai.

Nguồn Báo Nhân dân