- Giá cà phê trong nước tăng như vũ bão, tiến sát 120.000 đồng/kg. - Tập đoàn Apple cam kết tăng chi tiêu và thúc đẩy sự kết nối tại Việt Nam. - Mỗi lít xăng tăng 380-410 đồng, các mặt hàng dầu (trừ mazut) hạ 170-180 đồng tùy loại, từ 15h ngày 17/4. - Viện Cây ăn quả miền Nam: Ra mắt Phòng Thí nghiệm công nghệ sau thu hoạch. - Năm 2023, Tiền Giang vận động gần 19 tỷ đồng chăm lo cho người khuyết tật. - Đề xuất bổ sung 1.100 tỷ đồng vào quỹ khám chữa bệnh BHYT mỗi năm. - 21 tỉnh, thành thưởng tiền nếu sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. - Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại Bộ đội Biên phòng Tiền Giang - Tòa án Nhân dân huyện Tân Phước tuyên 792 tháng tù cho 44 bị cáo gây rối trật tự công cộng. - 30 thí sinh vào chung kết Hội thi “Duyên dáng áo dài” chào mừng thành phố Gò Công. - Cục Thuế tỉnh Tiền Giang đối thoại doanh nghiệp lần 1 năm 2024. - Xe chở 20 khách cháy ngùn ngụt trên cao tốc Trung Lương

Long trọng kỷ niệm 140 năm Ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng

Sáng 1/10, tại TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam),đã long trọng diễn ra Lễ kỷ niệm 140 năm Ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1/10/1876 – 1/10/2016).

Dự lễ kỷ niệm có: Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng  Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo Quân khu 5, đại biểu trong và ngoài tỉnh; các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, các nhân sĩ trí thức, đại diện gia đình và người thân của cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước ôn lại thân thế, sự nghiệp, công lao và những đóng góp to lớn của Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ: Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo gốc nông dân của tỉnh Quảng Nam, vùng đất địa linh nhân kiệt, Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã sớm hấp thụ những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, dân tộc. Học hành đỗ đạt, lẫy lừng danh tiếng là một nhà đại khoa bảng (từng đỗ đầu kỳ thi Hương, đỗ tiến sĩ kỳ thi Hội), nhưng Cụ Huỳnh đã từ chối không ra làm quan, tiếp thu tư tưởng tiến bộ “Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh”, tích cực tham gia lãnh đạo phong trào Duy tân, nuôi chí canh tân đất nước. Khi thực dân Pháp đàn áp phong trào chống sưu thuế, cụ bị bắt, bị kết án tù chung thân và đày ra Côn Đảo suốt 13 năm, nhưng Cụ vẫn một dạ sắt son, gan không núng, chí không sờn. Ra tù, với tầm nhìn và tư duy sắc sảo, bản tính thẳng thắn, cương trực, trên cương vị Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, Chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân, Cụ Huỳnh đã mạnh mẽ đấu tranh đòi thực hiện dân chủ, dân quyền, vạch trần chính sách cai tri nô dịch, cướp bóc, đàn áp dã man của thực dân Pháp và sự mục nát của chế độ phong kiến. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, tuy đã ngoài 70 tuổi, nhưng với tất cả nhiệt huyết của một chí sĩ yêu nước, Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhận lời tham gia Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cụ còn là người sáng lập và là Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, một trong những tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay. Cụ nói: “Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng phải ra sức phụng sự Tổ quốc”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: Với phong cách lãnh đạo quyết đoán, bản lĩnh, trí tuệ và rất gần gũi với nhân dân, Cụ Huỳnh đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đi công tác nước ngoài dài ngày, tin cậy giao trọng trách quyền Chủ tịch nước, điều hành quốc sự với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Bằng uy tín, tài năng và đức độ của mình, cụ đã sát cánh cùng các chiến sĩ cộng sản và đồng bào cả nước chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, ngăn chặn, đập tan mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực phản động, mà vụ án phản cách mạng xảy ra ở phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội), năm 1946, là một thí dụ điển hình, góp phần bảo vệ nền độc lập và chính quyền cách mạng còn non trẻ trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử Cụ làm Đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Trung, chuẩn bị “toàn dân kháng chiến, toàn quốc kháng chiến”. Trên đường công tác, Cụ Huỳnh lâm bệnh nặng. Suốt cuộc đời vì nước, vì dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, cụ ra đi thanh thản, để lại lời “chào vĩnh quyết” như một lời hiệu triệu, kêu gọi đồng bào đoàn kết, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc; chỉ tiếc nuối không được tiếp tục cống hiến cho nước độc lập, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân – điều mà Cụ ấp ủ từ lâu. Cả nước đau buồn, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tổ chức quốc tang Cụ giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt. Tri ân và ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của Cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng, Nhà nước đã truy tặng Cụ phần thưởng cao quý – Huân chương Sao vàng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang,
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu đến viếng
và dâng hương tại nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một chí sĩ yêu nước tiêu biểu, góp phần quan trọng tạo nên gắn kết các phong trào và khuynh hướng yêu nước ở nước ta đầu thế kỷ XX với sự nghiệp cách mạng do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức và lãnh đạo.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, với lòng yêu nước thiết tha, bản lĩnh kiên cường và nhân cách cao đẹp, cả đời nung nấu ý chí cứu dân, cứu nước, Cụ Huỳnh đã đến với cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành người bạn tri kỷ, chân thành của Bác.

Từ một chí sĩ Nho học đầu thế kỷ XX và một yếu nhân trong phong trào Duy Tân, Cụ đã trở thành một người lãnh đạo Nhà nước cách mạng Việt Nam và đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu lãnh đạo.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước chân chính. Với tư cách là người sáng lập và cũng là Hội trưởng đầu tiên của Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, cụ Huỳnh đã dốc hết nhiệt tâm của mình mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo, dân tộc vì một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường.

Bằng uy tín của một chí sĩ nhiệt thành yêu nước, thương dân, Cụ Huỳnh đã góp phần xây dựng khối đoàn kết tất cả lực lượng và đồng bào yêu nước, dựa chắc vào dân để đối phó với thù trong, giặc ngoài. Cụ khẳng định: “Toàn dân đoàn kết, đại đoàn kết dưới sự lãnh đạo của cụ Hồ thì con thuyền cách mạng Việt Nam ta nhất định đến bến vinh quang, nước ta sẽ hoàn toàn độc lập, tự do”. Trước khi qua đời, cụ Huỳnh còn gửi đến các nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp nhân dân lời hiệu triệu đoàn kết xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị anh hùng xuất chúng, vị anh hùng dân tộc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết: Cụ Huỳnh Thúc Kháng còn có những đóng góp to lớn, có ý nghĩa sâu sắc, để lại những dấu ấn đậm nét trên các lĩnh vực văn học, sử học. Đóng góp ở đỉnh cao về tư tưởng phải kể đến những sáng tác của Cụ thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám. Những bài thơ, bài báo, bài viết trong giai đoạn này đều thể hiện tình cảm tha thiết của Cụ đối với nhân dân, dân tộc và đất nước.

Đặc biệt, là một nhà sử học uyên bác, Cụ đã để lại cho hậu thế nhiều công trình có giá trị, nhiều nguồn tư liệu quý về lịch sử nước nhà; đưa ra nhiều chứng cứ lịch sử để khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và nhấn mạnh “không nước nào có tài liệu chứng cứ đầy đủ hơn nước ta”. Đến nay, những trăn trở, suy tư của cụ Huỳnh về đất nước, về chủ quyền biển, đảo vẫn còn nguyên giá trị, qua đó ta càng thấm thía hơn đạo đức, nhân cách và trách nhiệm của cụ đối với dân tộc và đất nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang
 trồng cây lưu niệm tại nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao về trí tuệ và nhân cách của cụ Huỳnh: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây cụ đã bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh, chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết. Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

“Cuộc đời và sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng, được người dân hay gọi bằng cái tên thân thương nhưng đầy kính trọng “Cụ Huỳnh”. Suốt đời cụ Huỳnh trung thành với Chính phủ, với đất nước, là một khúc ca hùng tráng, hùng tráng đến ngày cuối cùng, chống gậy đi kháng chiến… Noi gương cụ, mỗi cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, luôn đặt lợi ích của dân tộc và Tổ quôc lên trên hết, trước hết”- Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ.

Trước đó, trong sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã cùng các đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến dâng hương cụ Huỳnh Thúc Kháng tại Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước). Tại đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh; đồng thời, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã ghi sổ lưu niệm tại đây./.

ĐCSVN

0 Bình luận

Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.

Gửi bình luận

 


 
*