Lễ hội dân gian gắn với phát triển du lịch

Từ những năm 80 của thế kỷ 20, cùng với không khí đổi mới của đất nước, lễ hội dân gian dần được khôi phục và “bùng nổ” mạnh mẽ trong những năm gần đây. Ðó là cơ sở quan trọng làm hiện rõ xu hướng phục hồi lễ hội dân gian trong đời sống xã hội đương đại. Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng này có nguyên nhân quan trọng là để khẳng định bản sắc địa phương và thu hút khách du lịch.


Lễ hội làng Dâu (huyện Bình Lục, Hà Nam).

Những xu hướng mới trong lễ hội dân gian

Cũng nằm trong mục tiêu phát triển lễ hội dân gian để phục vụ du lịch, trong khoảng hơn mười năm trở lại đây xuất hiện xu hướng làm mới lễ hội dân gian để phục vụ cho việc quảng bá du lịch của các địa phương. Thí dụ như Lễ hội pháo hoa Ðà Nẵng, Lễ hội hoa Ðà Lạt, Ngày hội văn hóa du lịch đồng bằng sông Hồng, Lễ hội du lịch Hạ Long, Festival Tây Sơn – Bình Ðịnh,… Bên cạnh một số thành công thì cũng còn nhiều yếu tố khiến cho các lễ hội không phải khi nào cũng hấp dẫn khách du lịch. Sự kết hợp nhiều khi còn vội vàng các yếu tố của lễ hội dân gian trong các lễ hội du lịch hay sân khấu hóa nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khó được người dân chấp nhận. “Hội chứng kỷ lục” (như cặp bánh chưng, bánh dày lớn nhất, dàn nhạc dân tộc có số lượng nhạc công đông nhất, nồi nấu nước phở lớn nhất, rồng gốm dài nhất và tà áo dài dài nhất…) cũng cho thấy sự khoa trương, tùy tiện, pha tạp,… mà không thấy đặc trưng văn hóa và sức hấp dẫn ở các lễ hội này.

Xu hướng thương mại hóa đang phổ biến trong các lễ hội dân gian hiện nay với các biểu hiện như: thu hút khách du lịch bằng đủ mọi cách, hòm công đức đặt khắp nơi, các dịch vụ tín ngưỡng nở rộ, tranh giành khách, cò mồi, dịch vụ lấn át hoạt động hội, giá cả ăn uống, thu lệ phí chưa hợp lý,… Tình trạng bán vé và thu nhiều loại phí dịch vụ, đã làm mất đi nét đẹp của lễ hội. Tính thương mại cũng đã len lỏi cả vào các không gian thực hành nghi lễ linh thiêng, có “quan hệ”, có “bồi dưỡng” thì được vào lễ ở trong,… những điều này khiến khách du lịch phải cân nhắc, tính toán khi dự lễ hội.

Nhìn vào số lượng, có thể thấy lễ hội dân gian ở nước ta rất đa dạng, phong phú, nhưng hiện nay xu hướng đồng dạng hóa lễ hội đang trở nên phổ biến và điều này đã khiến cho lễ hội dân gian phần nào trở nên nhạt nhòa, giống nhau, các lễ hội mất dần tính đặc trưng. Chắc chắn không khách du lịch nào muốn tham dự tua du lịch lễ hội khi biết chắc lễ hội đó không khác gì các lễ hội mà mình đã biết, đã dự.

Bên cạnh đó, xu hướng thế tục hóa mang tới cho lễ hội dân gian những mầu sắc mới, đời thường hơn, nhưng cũng góp phần làm hạn chế tính linh thiêng của lễ hội, khiến cho khâu tổ chức của nhiều lễ hội có phần lộn xộn, gây cảm giác thiếu an toàn cho khách du lịch…

Lễ hội dân gian thường gắn chặt với các cơ sở tín ngưỡng, vì thế cùng với sự phát triển của lễ hội dân gian, các cơ sở tín ngưỡng cũng trong xu hướng được chú trọng trùng tu, tôn tạo và xây mới. Việc mở mang các di tích tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan di tích và tham dự lễ hội, nhưng đây đó việc trùng tu di tích được thực hiện tùy tiện làm mất đi giá trị vốn có của những không gian tâm linh, nhiều di tích sơn tượng, sử dụng tượng mới không phù hợp, thay cột gỗ bằng cột xi-măng, những bức chạm khắc cổ tinh xảo nhuốm màu thời gian thay bằng những bức chạm mới vụng về, lai căng,… Các di tích cũng dần trở nên đồng dạng, giống nhau, mờ nhạt, không còn níu chân được du khách, nhất là du khách nước ngoài.

Ðể lễ hội dân gian là nguồn lực phát triển du lịch

Muốn lễ hội dân gian trở thành nguồn lực bền vững cho phát triển du lịch thì việc đầu tiên là phải giữ cho được tính đa dạng: đa dạng loại hình, đa dạng nghi lễ, đa dạng các biểu đạt văn hóa gắn với đặc thù của từng lễ hội, từng cộng đồng địa phương, có như vậy khách du lịch mới có nhu cầu khám phá, trải nghiệm nhiều lễ hội khác nhau, ở nhiều vùng, miền, địa phương khác nhau.

Thứ hai, nên khắc phục tối đa tình trạng phục hồi, làm mới tràn lan lễ hội dân gian, đưa yếu tố mới vào một cách tùy tiện, không ăn nhập, chạy theo hình thức. Thay vào đó, việc phục hồi, sáng tạo, làm mới nên được thực hiện bởi những chủ thể của lễ hội trong sự kết hợp chặt chẽ với các cơ quan văn hóa, các nhà chuyên môn để quá trình này đáp ứng đúng nhu cầu và nguyện vọng của người dân.

Thứ ba, khắc phục tình trạng thương mại hóa một cách quá mức ở các lễ hội dân gian, bố trí các hòm công đức phù hợp, quản lý chặt chẽ các hình thức dịch vụ trong lễ hội, tránh việc coi khách du lịch đến lễ hội như là đối tượng để “làm ăn”.

Thứ tư, yếu tố cốt lõi trong lễ hội dân gian là yếu tố thiêng, cần củng cố yếu tố ấy để lễ hội dân gian thật sự là thời điểm thiêng, thời điểm thăng hoa của cả cộng đồng địa phương và khách du lịch.

Thứ năm, lễ hội dân gian vốn là của dân, nên trả về cho người dân theo đúng nghĩa. Lễ hội dân gian chỉ hấp dẫn khách du lịch khi đó là sản phẩm văn hóa của người dân, do chính người dân sáng tạo, gìn giữ, thực hành và trao truyền.

Thứ sáu, cần hết sức thận trọng với việc trùng tu, tôn tạo và làm mới các di tích – không gian quan trọng của lễ hội. Khách du lịch luôn muốn được nhìn thấy những giá trị nghệ thuật, giá trị truyền thống của các di tích chứ không phải những công trình chắp vá, lai căng, quá hiện đại hoặc phô trương.

Có thể thấy, lễ hội dân gian, bằng chính sự đa dạng, phong phú và đặc sắc của nó đã là một nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch. Song tự thân lễ hội dân gian khó có thể trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn nếu không có sự góp sức của những người làm du lịch và du lịch cũng khó có thể phát triển được nếu thiếu điểm tựa là các giá trị văn hóa, trong đó có lễ hội dân gian. Ðiều này có nghĩa là những chủ nhân của lễ hội dân gian và những người làm du lịch cần có sự gắn kết chặt chẽ trên cơ sở cả hai bên cùng có lợi và cùng vì mục đích lâu dài, có như vậy thì nguồn lực lễ hội dân gian mới được vận hành tốt trong phát triển du lịch.

Nguồn Nhân dân