Lê Duẩn – Ngời sáng một cuộc đời, một sự nghiệp văn hóa

Sự kiểm chứng thời gian và những suy ngẫm, cảm nhận mới

Thời gian là thước đo nghiêm ngặt và chính xác nhất giá trị, tầm vóc của các sự kiện, các nhân vật lịch sử với sự phán xét công tâm, khách quan. Thời gian phủ cát bụi, làm nhạt nhòa nhiều tên tuổi, nhiều sự nghiệp, sự kiện từng lừng lẫy một thời, và cũng chính thời gian, bằng sự sàng lọc và kiểm chứng chặt chẽ, giúp hậu thế hiểu thêm, quý trọng hơn những tên tuổi và sự nghiệp mà đương thời, do nhiều nguyên nhân chưa được định vị, đánh giá đầy đủ.

Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh (1977)
(Ảnh tư liệu TTXVN)

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã về cõi vĩnh hằng cách đây hơn một phần tư thế kỷ. Trong khoảng thời gian này, thế giới đã diễn ra biết bao nhiêu biến động dữ dội, và đất nước ta, sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, cũng đã có bao điều thay đổi lớn lao. Độ lùi của năm tháng và những biến thiên của thời cuộc, những động thái vô cùng phong phú và phức tạp của đời sống… dường như giúp chúng ta tỉnh táo hơn và có thêm căn cứ để suy ngẫm thấu đáo, cảm nhận đầy đủ, sáng tỏ hơn về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn– người học trò xuất sắc, tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam.

Gần đây, vào dịp kỷ niệm 95 năm, 100 năm, 105 năm ngày sinh đồng chí Lê Duẩn, trên một số diễn đàn và các phương tiện thông tin đại chúng, xuất hiện nhiều bài nói, bài viết của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà nghiên cứu lão thành, những người có may mắn được làm việc, tiếp xúc với Tổng Bí thư Lê Duẩn. Các bài nói, bài viết đó rất đa dạng về nội dung, phương thức và phong cách thể hiện, song đều đề cập nhiều hơn, cụ thể và sinh động hơn tư tưởng, phong cách văn hóa, sự quan tâm đến văn hóa, con người của đồng chí Lê Duẩn. Đây không hẳn là không thuần tuý là sự bổ sung một mảng vấn đề trước đây chưa được đề cập nhiều, mà quan trọng hơn, đây là một sự cảm nhận mới – cảm nhận ở tầng sâu và tầm cao cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách của đồng chí Lê Duẩn.

Ngời sáng một nhân cách, tầm vóc, khí phách văn hóa

Các nhà nghiên cứu trước đây đã viết nhiều về những hoạt động và cống hiến to lớn của đồng chí Lê Duẩn trên lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao; nhấn mạnh tư duy sáng tạo, sự quyết đoán của ông trước những thử thách và bước ngoặt quan trọng của cách mạng nước ta. Tất cả những điều đó đều đúng và đã được lịch sử xác nhận. Tuy nhiên, có một câu hỏi chưa nhiều lời giải đáp là, nhân tố nào đã tạo nên con người Lê Duẩn, sự nghiệp Lê Duẩn? Lòng yêu nước, thương dân; tinh thần và ý chí cách mạng tiến công; tư duy độc lập và sáng tạo… – tất cả những nhân tố đó đều đúng, nhưng chưa đủ sức khái quát ở tầng sâu bản chất nguồn năng lượng tạo nên ánh sáng “ngọn đèn 200 nến” – hình ảnh mà cán bộ chiến sĩ miền Nam thời kháng chiến thân thiết, kính trọng khi nói về đồng chí Lê Duẩn.

1

Suy đến cùng, nhân tố xuyên suốt, có ý nghĩa nền tảng tạo nên con người Lê Duẩn, sự nghiệp Lê Duẩn chính là văn hóa – hiểu theo đúng nghĩa cao đẹp nhất của nó. Nói như nhà nghiên cứu Việt Phương, Lê Duẩn là một con người văn hóa, của văn hóa, vì văn hóa. Nói cụ thể hơn, đồng chí Lê Duẩn được nuôi dưỡng, trưởng thành từ văn hóa; tranh đấu, sáng tạo bằng văn hóa; phấn đấu, hy sinh vì văn hóa – kết tinh những giá trị thiêng liêng và cao quý nhất của con người, dân tộc và nhân loại. Chính văn hóa đã đào luyện nên nhân cách Lê Duẩn, tầm vóc Lê Duẩn, khí phách Lê Duẩn. Đó là giá trị bền vững mà cố Tổng Bí thư Lê Duẩn góp vào lịch sử cách mạng Việt Nam và để lại cho mai sau.

Nhân cách văn hóa Lê Duẩn được thể hiện sống động và nhất quán trong cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của ông trên mọi địa bàn Trung – Nam – Bắc, trong mọi hoàn cảnh, trên nhiều cương vị. Cốt lõi nhân cách văn hóa Lê Duẩn là lòng yêu nước, thương dân, là tình thương yêu con người. Ở đồng chí Lê Duẩn có sự kết hợp hài hòa phẩm chất của nhà lãnh đạo tầm lãnh tụ luôn hy sinh phấn đấu, mưu cầu lợi ích cao cả cho đất nước, dân tộc với tấm lòng nhân ái, đôn hậu dành cho mọi người. Tình thương yêu, đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi, cùng chung gian khổ với đồng chí, đồng bào những năm tháng trong nhà tù đế quốc, trên chiến trường gian khổ; sự trăn trở lo cho dân, từ mớ rau, bộ quần áo mặc và quan tâm thiết thực đến đời sống từng người giúp việc, bảo vệ thời điểm đất nước còn gieo neo… khi đã trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng là ứng xử văn hóa trước sau như một của đồng chí Lê Duẩn ứng xử thủy chung, thấm đậm tính nhân văn đó chỉ có được ở những nhân cách văn hóa lớn.

Có thể nói đồng chí Lê Duẩn đã sống một cuộc đời trung thực và giản dị; luôn gần gũi đồng bào, đồng chí, với tình yêu thương tha thiết và chân thành đối với mọi người, quan tâm đến ý kiến và nguyện vọng của nhân dân, luôn coi trọng tình thương và lẽ phải. Nhà thơ Tố Hữu, trong bài Nhớ về anh, sáng tác năm 1987, đã khắc họa nhân cách văn hóa của đồng chí Lê Duẩn bằng những câu thơ chứa chan cảm xúc, ân tình:

“Dạ thẳng ngay, không nay bán mai cầm

Một đời Anh

Thanh thản là lương tâm”

“Sống là cho, là chia ngọt sẻ bùi…

Không hư danh, hư vị

Tâm hồn Anh

Vừa long lanh cuộc sống

Vừa bay bổng ước mơ

Cần áo cơm và cần nhạc, cần thơ

Tương lai này mầm non từ hiện tại

Trí tuệ nâng Anh ngang tầm thời đại” (1)

Tầm vóc văn hóa Lê Duẩn được tạo dựng bằng chính sự hành xử văn hóa trong suốt cuộc đời và bằng tầm trí tuệ trong tư tưởng văn hóa của ông. Bộn bề trăm ngàn công việc quốc gia đại sự, phải dành phần lớn thời gian, tâm sức cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua nhiều thác ghềnh, sóng gió, đồng chí Lê Duẩn không có điều kiện viết nhiều, viết sâu và trình bày một cách hệ thống tư tưởng của ông về văn hóa. Song nghiền ngẫm những gì ông đã nói, đã viết liên quan đến văn hóa vẫn thấy bừng sáng những luận điểm, những ý tưởng thật gần gũi mà sâu sắc, độc đáo, trong đó có những ý tưởng chứa đựng tầm tư duy vượt trước mà người cùng thời chưa dễ gì nhận biết được.

Bước đầu có thể khái lược một số luận điểm chính trong tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn về văn hóa, làm cơ sở ban đầu để tìm hiểu tầm vóc văn hóa của ông.

Thứ nhất, về quan niệm văn hóa, đồng chí Lê Duẩn nêu rõ, văn hóa là nhu cầu thiết yếu của con người, của cộng đồng, dân tộc. Con người không chỉ sống với miếng cơm, manh áo, mà còn có đời sống tình cảm, đời sống văn hóa, những cái đó gắn liền với dân tộc. Văn hóa là biểu hiện sự gắn bó giữa người và người, làm cho con người hiểu kỹ con người, làm nảy nở những tình cảm tốt đẹp của con người trong lao động cải tạo thiên nhiên, cải tạo xã hội.

Thứ hai, về mục đích xây dựng văn hóa, đồng chí Lê Duẩn xác định mục đích của chúng ta là xây dựng một xã hội văn hóa cao. Nền văn hóa trong xã hội ta là nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc. Đó là nền văn hóa hướng tới con người, hướng tới nhân dân. Văn hóa tôn trọng cái riêng và nhân cách văn hóa của con người. Văn hóa phải góp phần xây dựng con người của chế độ mới yêu lao động, giàu tình thương, biết trọng lẽ phải, nhận thức được chân lý. Phải biến mọi giá trị văn hóa thành tài sản của nhân dân và làm cho nhân dân trở thành người sáng tạo trực tiếp ra mọi giá trị văn hóa, đồng thời là người được hưởng thụ mọi giá trị văn hóa.

Thứ ba, về quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, theo đồng chí Lê Duẩn, sức mạnh kinh tế không thể tách rời sức mạnh văn hóa, sức mạnh con người; và sức mạnh của văn hóa của con người phải được hiện thực hóa trong sức mạnh kinh tế.

Thứ tư, về việc kế thừa và phát huy tinh hoa văn hoá dân tộc, đồng chí Lê Duẩn luôn nhắc nhở, người Việt Nam có lòng yêu nước thiết tha, có tinh thần dân chủ, bình đẳng trong quan hệ giữa người với người. Thương nước – thương nhà – thương người – thương mình “là truyền thống đậm đà của nhân dân ta, là tình cảm lớn làm nên vẻ đẹp của con người, lối sống và văn hóa Việt Nam”. Tinh hoa ấy, tình thương ấy phải được bồi dưỡng và nâng lên.

Thứ năm, về văn học, nghệ thuật, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ, công tác tư tưởng, văn hóa không chỉ nắm lý luận, mà phải biết gắn với tình cảm, cho nên các hoạt động nghệ thuật là rất quan trọng. Tình cảm phải thông qua nghệ thuật để xây dựng; nghệ thuật sáng tạo trên cơ sở vận dụng quy luật riêng của tình cảm. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải nhận thức sâu sắc lời căn dặn của V.I.Lênin: với sự nghiệp sáng tạo văn học, nghệ thuật, phải bảo đảm một phạm vi rộng lớn hơn cho sáng kiến cá nhân, khuynh hướng cá nhân, cho tư tưởng và sức tưởng tượng, cho nội dung và hình thức.

Thứ sáu, về một nền văn hóa tương lai, đồng chí Lê Duẩn luôn đau đáu trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi mô hình thể chế, thiết chế văn hóa phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa sau này. Ông quan niệm, trong hiện tại, văn hóa phải bồi dưỡng, hoàn thiện những phẩm chất cơ bản của con người Việt Nam – yêu lao động, giàu tình thương, trọng lẽ phải, để con người có thể từng bước làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân, tiếp cận và chiếm lĩnh được cái đúng, cái tốt và cái đẹp của cuộc sống. Theo ông, làm chủ tập thể chính là cái đúng, cái tốt, cái đẹp cao nhất mà con người đang vươn tới trong thời đại mới.

Sáu luận điểm nói trên (có thể là chưa được khái quát đầy đủ, chính xác do hạn chế của người viết bài này), nhưng tự nó đã cấu thành một hệ thống, một tầm vóc tư tưởng rất phong phú và sâu sắc về văn hóa. Đáng tiếc, những luận điểm, những ý tưởng còn ở dạng chấm phá, khai mở về văn hóa của đồng chí Lê Duẩn chưa được nghiên cứu, phát triển, cụ thể hóa thành một hệ thống hoàn chỉnh. Do những khó khăn, thiếu thốn của một thời bao cấp và do cả những hạn chế về nhận thức, về tầm nhìn của giới nghiên cứu, quản lý, một số luận điểm rất khoa học của ông không được thực hiện đến nơi, đến chốn, thậm chí có những ý tưởng, dự cảm về văn hóa tương lai, nhất là ý tưởng về làm chủ tập thể, đã bị hiểu và thực hành không đúng. Dù vậy, qua sự trải nghiệm của đời sống thực tiễn, những luận điểm, ý tưởng về văn hóa của đồng chí Lê Duẩn đã chứng tỏ tính đúng đắn và giá trị hiện thực, góp phần khẳng định đầy sức thuyết phục về tầm vóc văn hóa Lê Duẩn.

Khí phách văn hóa Lê Duẩn được khởi nguồn, nuôi dưỡng từ hào khí và sức mạnh văn hóa dân tộc; được hun đúc trong lò lửa đấu tranh cách mạng. Đồng chí Lê Duẩn là người hiểu sâu, thấm sâu đạo lý, triết lý nhân sinh của dân tộc. Ông luôn tự hào khi nói về dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Trong thẳm sâu nhận thức và tình cảm của ông, dân tộc Việt Nam ta là dân tộc coi trọng đạo lý làm người và biết làm người; con người Việt Nam ta giàu lòng yêu nước, lòng nhân ái và tinh thần dân chủ. Chính những phẩm chất cao quý đó là nguồn sức sống mãnh liệt, nguồn sức mạnh vô song đưa dân tộc ta trở thành một dân tộc độc lập, một quốc gia độc lập, làm nên những chiến công hiển hách trong suốt mấy ngàn năm lịch sử.

Đạo lý dân tộc, văn hóa dân tộc và lý tưởng cách mạng thấm đậm trong trái tim, khối óc đồng chí Lê Duẩn, tạo nên khí phách văn hóa của một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đầy bản lĩnh, luôn nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, ý chí tự lực tự cường, sẵn sàng đương đầu với mọi kẻ thù xâm lược, mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu đến cùng vì độc lập, tự do, thống nhất và sự cường thịnh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Nhân cách văn hóa, tầm vóc văn hóa, khí phách văn hóa hòa quyện nhuần nhuyễn trong con người và sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn. Ông là một ngôi sao sáng trên bầu trời văn hóa Việt Nam; một tấm gương văn hóa lớn để chúng ta cùng hậu thế tự hào, noi theo.

VÌ MỘT NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM TIÊN TIẾN, ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC HÔM NAY VÀ MAI SAU

Vào thời điểm kỷ niệm 105 năm ngày sinh đồng chí Lê Duẩn, đọc, suy ngẫm và viết về tư tưởng, sự nghiệp văn hóa của ông không đơn thuần là góp một nén tâm nhang tưởng niệm, càng không phải là làm một bài tụng ca về một con người có công với nước. Thôi thúc và cấp bách hơn chính là sự đòi hỏi của đời sống, của bản thân cuộc sống.

Đảng ta đã xác định, phát triển văn hóa – nền tảng tinh thần xã hội, là một trong ba trụ cột của đường lối phát triển đất nước. Chúng ta đang phấn đấu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại,… Trong tiến trình đó, văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực; văn học phải thấm sâu vào mọi mặt của đời sống, trở thành sức mạnh nội sinh của phát triển…

Sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh thời cơ và nguy cơ, thuận lợi và khó khăn đan xen đang đặt văn hóa trước những trọng trách lớn lao, những thách thức phức tạp. Trên thực tế, đồng thời với những thành quả đáng phấn khởi, công cuộc xây dựng văn hóa đang còn nhiều bất cập về nhận thức lý luận và bộn bề những yếu kém, khuyết tật, tiêu cực phải khắc phục. Những biểu hiện coi trọng kinh tế, xem nhẹ văn hóa; những đảo lộn thang bậc và hệ giá trị xã hội; những rạn nứt và sự vô cảm trong quan hệ gia đình, cộng đồng; sự gia tăng tiêu cực và tội phạm; sự thâm nhập, lây lan cách nghĩ, cách cảm và lối sống xa lạ với thuần phong mỹ tục và truyền thống dân tộc… đang làm xói mòn nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội.

Trong bối cảnh đó, trở lại với tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn về văn hóa; liên hệ những luận điểm, những ý tưởng của ông với đường lối, chủ trương xây dựng văn hóa của Đảng hiện nay, có thể thấy rất rõ nhiều điểm tương thích thật thú vị. Đồng thời, cũng có thể thấy, còn những điều, thậm chí nhiều điều trong tư duy, trong tư tưởng văn hóa của đồng chí Lê Duẩn, chúng ta chưa hiểu hết, chưa khám phá và phát huy hết. Dường như những điều ông nói và viết về văn hóa, về con người, về dân tộc… không chỉ là lời giải bài toán văn hóa đặt ra mấy chục năm trước mà còn hàm chứa những gợi mở, những định hướng để giải quyết nhiều vấn đề văn hóa hôm nay và cả trong giai đoạn tới.

Sự thật, tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn, đặc biệt, về tư tưởng xây dựng văn hóa, con người của ông là lĩnh vực còn đang rộng mở. Nghiên cứu công phu, đầy đủ hơn; phân tích hệ thống, khoa học hơn; đánh giá toàn diện, thấu đáo hơn giá trị tư tưởng và những hoạt động văn hóa của ông nhằm góp phần cung cấp thêm những căn cứ xác đáng để Đảng, Nhà nước hoàn thiện đường lối, chính sách phát triển văn hóa; và, tuỳ theo từng vị trí công việc, trực tiếp tham gia thực hành văn hóa theo tấm gương Lê Duẩn – đó chính là việc làm thiết thực, có ích vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hôm nay và mai sau.
–––––––––––––––––––––––––––––

(1). Lê Duẩn – một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, 2001, tr.128.

Nguồn ĐCSVN