Láng Sen là khu Ramsa thứ 7 của Việt Nam

Tổ chức Công ước Ramsar đã ra quyết định công nhận Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen thuộc tỉnh Long An là khu Ramsar  – vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn.

Láng Sen là khu Ramsa thứ 7 của Việt Nam.

Dự kiến, lễ đón nhận bằng công nhận khu Ramsar Láng Sen sẽ diễn ra vào ngày 27/11 tới.

Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen có diện tích tự nhiên là 5.030 ha, bao gồm toàn bộ diện tích khu bảo tồn sinh thái rừng tràm Đồng Tháp Mười, lâm trường Vĩnh Lợi và một phần diện tích của 2 xã Vĩnh Lợi và Vĩnh Đại (huyện Tân Hưng).

Đây là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới.

Là một trong những hình mẫu điển hình về hệ sinh thái vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười, Láng Sen có các hệ sinh thái đa dạng như: Rừng tràm, ruộng lúa, đồng cỏ ngập nước theo mùa, thảm thực vật thân gỗ, dây leo chịu ngập ven sông, bãi lầy ven sông, các lung, trấp ngập nước, lòng sông cổ…

Theo kết quả khảo sát sơ bộ, Láng Sen hiện có 156 loài thực vật hoang dã, nhiều nhất là các loài sen, súng, mồm, năng ngọt, lúa ma, cỏ ống, lục bình, rau dừa…

Động vật có xương sống ở Láng Sen cũng rất đa dạng, gồm 149 loài, trong đó loài chim và loài cá chiếm đa số, tiêu biểu như: Sếu đầu đỏ, già đẫy, diệc lửa, diệc xám, giang sen, le le, cò trắng chân xanh, vịt trời, điên điển, cá thát lát, cá lia thia, cá linh, cá ngựa, cá nàng hai, trê vàng…

Khu bảo tồn còn có một giới hạn tự nhiên khá đặc biệt là cù lao rộng 1.500 ha được bao bọc bởi sông Vàm Cỏ Tây, gồm nhiều sinh cảnh thích hợp với các loài động, thực vật ưa nước và là môi trường thuận lợi dễ khôi phục các hệ sinh thái đồng cỏ, bãi ăn của nhiều loài chim nước.

Chinhphu.vn