Làng nghề bánh phồng Cái Bè nhộn nhịp đón Tết

(THTG) Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến rất gần. Vào những ngày này, người dân ở làng nghề bánh phồng Cái Bè cũng đang hối hả sản xuất để phục vụ cho thị trường Tết.

Bánh phồng, bánh tráng là những món ăn truyền thống của người dân vào dịp Tết. Nó góp phần tăng hương vị ngày của những ngày Xuân. Khác với bánh tráng, bánh phồng có vị ngọt, béo và thơm hương vị của mè, nước cốt dừa. Ngày nay, người làm bánh phòng còn khéo tay tạo ra những chiếc bánh có cả hương vị sầu riêng, lá dứa,… Cùng với bánh tét, dưa hấu, bánh phồng là một món ăn không thể thiếu trong những ngày xuân ở Nam bộ. Bánh phồng cũng thường được dùng làm quà biếu trong những ngày Tết đến Xuân về. Nổi tiếng ở miền Tây, người ta thường hay nhắc đến làng nghề bánh phòng ở xã Đông Hòa Hiệp huyện Cái Bè.

Lang nghe banh phong hoi ha Tet.mpg_snapshot_03.23.853

Công đoạn cán mỏng bánh và đem phơi.

Làng nghề bánh phồng Cái Bè có cách đây khoảng 70 năm, lúc đầu chỉ có năm, bảy nhà làm bánh, dần dần đã có hơn 100 hộ. Ngoài Đông Hòa Hiệp, hiện nay nhiều hộ ở thị trấn Cái Bè cũng phát triển nghề này. Hiện danh tiếng của bánh phồng Cái Bè đang ngày càng vang xa, bởi bánh phòng Cái Bè được bỏ mối và bán ở khắp các tỉnh. Dân miền Tây, Sài Gòn và khắp nơi trong cả nước cũng đều biết đến loại bánh này và đặc biệt là xuất khẩu ở một số quốc gia.

Làng nghề bánh phồng Cái Bè được chính thức công nhận với 166 hộ sản xuất. Làng nghề hình thành đã giải quyết cho khoảng 800 lao động địa phương. Đến nay, qua quá trình phát triển, Làng nghề đã tập trung hình thành 3 cơ sở lớn tại thị trấn Cái Bè và 1 cơ sở tại ấp An Hiệp của xã Đông Hòa Hiệp. Các cơ sở lớn có nhiệm vụ thu gom, phân phối sản phẩm đến các thương lái, điểm kinh doanh du lịch, siêu thị, trung tâm thương mại. Một số hộ làm nhỏ lẻ dần chuyển sang làm gia công, làm thuê tại các cơ sở lớn.

Làm bánh phồng tốn nhiều công sức, bởi để có được một cái bánh thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, từ củ khoai mì thợ đem gọt vỏ, hấp lên cho chín. Sau đó, loại bỏ xơ ở giữa đem xay ra thành bột. Kế tiếp, người thợ dùng bột này ngào chung với đường, sữa, mạch nha, sầu riêng, lá dứa… cho đến khi bột mịn. Sau đó, thợ làm bánh mới đem cán mỏng và đem sấy hoặc phơi cho bánh dẻo. Cuối cùng là đóng gói bảo quản.

Những ngày giáp Tết bánh phồng sẽ được các thương lái đầu mối đặt hàng gấp đôi, gấp ba ngày thường. Tuy nhiên, năm nay, nguyên vật liệu không ngừng gia tăng đã làm cho số hộ và quy mô sản xuất bánh giảm đáng kể. Anh Nguyễn Văn Phước ở ấp An Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp làm nghề bánh phòng được hơn 30 năm cho biết, làm nghề này rất cực, khoảng 12 giờ khuya đã phải thức để làm bánh. Trước đây gia đình cán hơn 60kg mì nhưng hiện nay giảm xuống còn khoảng 40kg mì 1 ngày. Sau khi trừ đi chi phí còn lời hơn 200 ngàn đồng mỗi ngày.

Để bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề bánh phồng, huyện Cái Bè đã có kế hoạch nâng cấp sửa chữa mạng lưới giao thông, kết nối và phát triển làng bánh phồng gắn với du lịch ở Làng cổ Đông Hoà Hiệp, chợ Nổi Cái Bè.

Thành Danh