Làng lụa Vạn Phúc
Làng lụa Vạn Phúc vừa có không gian xanh, vừa có nhiều địa điểm check in sống ảo cùng các cửa hàng lụa tơ tằm truyền thống
Làng Vạn Phúc thuộc địa phận quận Hà Đông, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 10 km, nổi tiếng với nghề dệt lụa từ ngàn đời. Những năm gần đây, bên cạnh việc sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng dệt may truyền thống, làng Vạn Phúc còn phát triển du lịch, trở thành một địa điểm được du khách trong và ngoài nước ghé thăm. |
Để thu hút du khách, con đường dẫn vào làng đã được trang hoàng bởi những chiếc ô đầy sắc màu, vừa giúp che bóng mát trong những ngày nắng oi ả, vừa tạo điểm nhấn để khách du lịch nhớ tới và check in. |
Khách đến Vạn Phúc chủ yếu mua sắm các mặt hàng dệt may từ các chất liệu truyền thống như tơ tằm, đũi, lanh… vừa thân thiện môi trường, vừa thoáng mát. Các mẫu mã được cập nhật thường xuyên để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, trong đó, một lượng khách không nhỏ đến từ nước ngoài. |
Bên cạnh những “con đường tơ lụa” tập trung nhiều cửa hàng may mặc, làng Vạn Phúc còn ẩn giấu nhiều ngóc ngách thú vị để bạn khám phá. Người dân từ bao đời vẫn bảo tồn các di tích gắn với lịch sử làng và duy trì nếp sống buôn bán, dệt vải từ xa xưa. |
Di tích nhà cầu mang dáng dấp của Hội An, được làm bằng gỗ, nhìn xuống dòng nước xanh biếc. Hàng ngày, người dân làng ngồi hai bên bờ hóng gió, câu cá. Câu cầu dẫn từ con đường hiện đại, xe cộ tấp nập sang phía bên này là làng quê bình dị. |
Không nhiều du khách tới làng Vạn Phúc biết tới một di tích quốc gia nằm ngay gần nhà cầu, được bảo tồn nguyên vẹn. Nhà lưu niệm Bác Hồ là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh từng sinh sống, làm việc vào tháng 12/1946 và viết lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. |
Căn nhà được xây dựng từ những năm 1940 của cụ Nguyễn Văn Dương, một người dân làng Vạn Phúc sống bằng nghề dệt lụa. Căn biệt thự pha trộn hài hòa giữa phong cách kiến trúc kiểu Pháp và kiến trúc mái ngói, ba gian hai chái của người Việt xưa. |
Nhà lưu niệm sở hữu khuôn viên xinh xắn, nhiều cây xanh như cây cau, giàn mướp, vườn hoa hồng, chum vại… Nhiều khu vực trong nhà trưng bày các hiện vật thời Hồ Chủ tịch sinh sống tại đây, cùng các vật dụng gắn liền với đời sống của người dân Vạn Phúc như chày giã gạo, máy dệt vải… |
Căn nhà của cụ Nguyễn Văn Dương từng là căn cứ cách mạng nơi các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ từng hoạt động bí mật. Hiện, người dân trong làng chung tay bảo tồn để đón khách du lịch. Nhà lưu niệm mở cửa miễn phí vào tất cả các ngày trong tuần. |
Đến làng Vạn Phúc, ngoài mua sắm những trang phục truyền thống, du khách còn có cơ hội tìm hiểu về ngành trồng dâu nuôi tằm, dệt vải của ông cha xưa. Khu đền thờ Tổ nghề nằm ngay đầu làng gồm nhà trưng bày, đền thờ Tổ, đền thờ Bác Hồ… được quy hoạch hợp lý. |
Cầu gỗ bắc qua hồ sen nhỏ, cây cối um tùm, mát rượi, là điểm đến thích hợp trong những ngày hè cuối tuần ở Hà Nội. Thời gian sau dịch bệnh, làng thưa vắng khách nên khá thoải mái để đi dạo ngắm cảnh và chụp ảnh. |
Con đường trúc dài chừng 10 m, dẫn tới vườn dâu cổ – nơi xa xưa dân làng duy trì nghề nuôi tằm dệt vải. Từ trung tâm Hà Nội, bạn có thể đi về hướng đường Lê Văn Lương – Tố Hữu hoặc đi đường Nguyễn Trãi qua cầu Trắng. |
Nguồn Ngoisao.net
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.