Làng gốm ở Hội An rộn ràng làm tượng Táo quân đón Tết

Những ngày chuẩn bị đưa ông Táo về trời, các lò đúc tượng Táo quân ở làng gốm Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam lại rộn ràng.

Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, mỗi gia đình đều sửa soạn mâm lễ cúng đưa ông Táo về trời và thay ông Táo mới. Để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân, những ngày này, các lò đúc tượng Táo quân ở làng gốm Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam lại rộn ràng “đỏ lửa” đón xuân.

Lễ cúng mỗi nơi mỗi kiểu. Với người dân miền Trung, ngoài xôi, chè, đường bát, vàng mã… mâm lễ không thể thiếu tượng Táo quân mới. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lan, năm nay gần 100 tuổi đã truyền nghề làm tượng Táo quân cho bao thế hệ ở làng gốm Thanh Hà tâm sự, làm nghề này không phải chỉ để kiếm cơm mà phải hết sức thành tâm.

Cả nhà cùng làm tượng Táo quân
Hơn 400 năm nay, làng gốm Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vẫn lưu giữ được nhiều nghề truyền thống. Riêng nghề đúc tượng Táo quân mỗi năm làm một mùa và đòi hỏi phải tỷ mỉ, công phu, giá bán lại thấp hơn rất nhiều so với những sản phẩm khác nên chẳng mấy ai mặn mà. Hiện cả làng chỉ còn 2 hộ giữ được nghề này.Bà Nguyễn Thị Hồng vừa nhào đất in tượng vừa nói, để có một bức tượng Táo quân sắc sảo phải chú ý từ khâu chọn đất sét, nhào nặn, in, sửa nguội cho đến nung, sấy, trong đó quan trọng nhất là khâu làm đất và nung: “Khâu làm đất là tỉa đất ra cho chín rồi phun nước vào. Đất làm không kỹ thì không đẹp, tôi phải đạp đất lại cho mịn, nhồi qua nhồi lại 2, 3 lần”.

Ông Nguyễn Văn Chín, một trong số ít những người gắn bó và lưu giữ nghề đúc tượng Táo quân cho biết, mỗi năm cứ gần đến ngày ông Táo về Trời, những hộ làm tượng Táo quân ở đây lại hối hả nhào nặn đất, in, phơi khô, nung lò suốt ngày đêm. Gia đình ông có 6 người đều tham gia làm tượng, mỗi người một công đoạn. Người lớn thì nhào đất, in tượng; trẻ nhỏ thì phơi, xếp tượng… ai cũng tất bật.

Ông Chín cẩn thận xếp từng tượng vào lò nung

Ngoài ra, lúc cao điểm ông phải thuê thêm nhân công làm ngày làm đêm mới đủ hàng giao cho khách. Bình quân mỗi cái Tết, hộ của ông Chín bán ra khoảng 50.000 tượng Táo quân cho thị trường thành phố Đà Nẵng và các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế…Tính hết một mùa cũng kiếm được vài chục triệu đồng.

 Tượng Táo quân sau khi đã hoàn tất
Tết này, ở làng gốm Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, những nghệ nhân gần 100 tuổi như cụ Lan không thể tự tay in nặn tượng Táo quân. Nhưng họ vẫn luôn truyền lửa cho con cháu trong làng gìn giữ nghề truyền thống mà cha ông đã để lại cho thế hệ hôm nay./.
Minh Hoa/VOV – Miền Trung