Lần đầu tiên thơ và những vấn đề đương đại được đề cập một cách thẳng thắn

Nằm trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam, ngày 27-2, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thơ và những vấn đề đương đại”. Rất nhiều vấn đề nóng của thơ ca hiện nay đã được đưa ra mổ xẻ…

Hội thảo Thơ trong đời sống đương đại thu hút sự quan tâm của đông đảo người sáng tác và yêu mến thơ ca

Hội thảo Thơ trong đời sống đương đại thu hút sự quan tâm của đông đảo người sáng tác và yêu mến thơ ca

Nằm trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam, ngày 27-2, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thơ và những vấn đề đương đại”. Rất nhiều vấn đề nóng của thơ ca hiện nay như các tác phẩm thơ được sáng tác với nhiều hình thức thể hiện khác nhau nhưng chất lượng các tác phẩm thơ cũng như phê bình thơ vẫn dậm chân tại chỗ; nhà thơ không ngừng tăng và một bên là sự thụt lùi của số lượng những độc giả thơ… đã được đưa ra mổ xẻ.Theo nhà thơ Vũ Quần Phương chưa bao giờ người mê thơ nước ta lại đông đảo như bây giờ. Số người được tôn vinh là nhà thơ ước tới hàng chục vạn, tập trung trong các hội như Hội nhà văn của cả nước, của các tỉnh và đông hơn là trong các câu lạc bộ… Các tập thơ cũng được xuất bản nhiều chưa từng có, dễ đến ba bốn nghìn tập mỗi năm. Song hầu hết các NXB lại không đầu tư vào việc in thơ, bán thơ. Nhà thơ phải tự bỏ tiền in thơ, tự bán lấy thơ mà số đông là không biết bán và không bán được. Gửi hiệu sách, hiệu sách từ chối. Chỉ có đem tặng thì bị câu ca dân gian chắn lối: Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ.

“Làm thơ đã trở thành niềm say mê của cả cộng đồng nhưng việc đọc thơ sao lại im ắng quá”, đó là nghịch lý đang hiện hữu được nhà thơ Vũ Quần Phương đưa ra chia sẻ.

Người thì lạc quan với số lượng nhà thơ và tập thơ xuất bản, người thì ngán ngẩm cho rằng thấp cả về cảm hứng, thấp về văn hóa… “Vậy thơ đang đi lên hay đi xuống?”, nhà thơ Vũ Quần Phương đưa ra một câu hỏi để ngỏ.

Nhận định về thơ hôm nay, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng cho rằng thơ đang thật sự mất mùa vì thơ hay quá ít mà thơ dở quá nhiều. “Phải chăng tình yêu thơ ca không còn đất sống trong tâm hồn con người hiện đại, khi “cơn lốc” của đời sống công nghiệp, đời sống đô thị và cái gọi là lối “sống gấp” đang nghiền thời gian của chúng ta thành những mảnh vụn…”, nhà thơ Việt Chiến băn khoăn.

Cũng theo nhà thơ này thì một nhược điểm lớn của khá nhiều người viết hôm nay là thơ của họ thường quay lưng lại với đời sống cần lao, khó nhọc, lấm láp, cay cực của người dân ở những miền quê nghèo khó, với bon chen mưu sinh ở các đô thị chật chội, ô nhiễm với nhiều cạm bẫy rủi ro… Thơ đương đại xuất hiện không ít các tác giả thơ cách tân thơ với các khuynh hướng tìm tòi rất náo nhiệt… nhưng để thơ đến được với người đọc điều căn cốt ở mỗi một nhà thơ là phẩm chất tài năng, phẩm chất thi sĩ, cái mà không thể có gì thay thế được, nhà thơ Việt Chiến nhấn mạnh.

Nhiều tác giả tại hội thảo cũng mổ xẻ phân tích về mặt bằng chung của thơ đương đại, về hiện tượng thơ thì nhiều mà tác phẩm có chất lượng, đi vào lòng công chúng lại ngày càng hiếm…

Có cái nhìn lạc quan hơn, nhà thơ Lê Thành Nghị cho rằng, “Thơ Việt đang chuyển động. Tôi không bi quan về tình trạng ít người đọc hiện nay của thể loại kén người đọc này. Ngược lại, tôi rất mừng vì chúng ta đang có nhiều cách diễn đạt mới. Đó là niềm hy vọng của một người yêu thơ”.

Song nhà thơ thơ Vương Trọng thẳng thắn nhìn nhận, nhiều người than bạn đọc ngoảnh mặt với thơ mà không đặt vấn đề rằng nhà thơ đã quan tâm đúng điều bạn đọc quan tâm chưa? Thời kỳ thông tin đại chúng, giữa một đại dương mênh mông các tác phẩm thơ và nhà thơ, việc tìm ra một tác giả thơ nổi bật đại diện cho văn chương nước nhà, tác giả tiên phong trong sáng tạo như “mò kim đáy bể”.

Qua hội thảo, cũng phần nào lý giải việc năm 2017 cả Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội đều không trao Giải thưởng Thơ.

Và như nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định: “Đừng sa đà vào những ồn ào danh hiệu, những óng ánh ngỡ là thơ mà rất không thơ. Đời người ngắn ngủi lắm, đời cho thơ càng ngắn ngủi hơn. Cứ rối lên với oản chuối, hương đèn, vàng mã thì không còn đâu tĩnh tâm mà tìm đến Phật…”

Sau 15 năm tổ chức Ngày thơ Việt Nam, đây có lẽ là lần đầu tiên một cuộc hội thảo về thơ và những vấn đề đương đại được đề cập một cách thẳng thắn, trọng tâm. Những vấn đề mà hội thảo đặt ra cũng chính là những bước đầu tiên nhìn nhận vấn đề, từ đó, góp phần đưa thơ ca Việt Nam tiếp tục phát triển trong một giai đoạn lịch sử mới, giai đoạn của hội nhập.

Nguồn SGGP