Kỳ họp quan trọng của Quốc hội Cuba: Mở ra thời kỳ mới cho đất nước

Ngày 18-4, Quốc hội khóa IX của Cuba khai mạc tại thủ đô Havana, sớm hơn một ngày so với kế hoạch ban đầu. Đây là sự kiện mang tính lịch sử khi ông Raul Castro được cho là sẽ rời vị trí chủ tịch và mở ra một thế hệ lãnh đạo mới ở quốc gia châu Mỹ này.

Chủ tịch Cuba Raul Castro (hàng đầu, bìa trái) và Phó Chủ tịch thứ nhất Diaz-Canel (giữa) tại một phiên họp Quốc hội Cuba năm 2017

Chủ tịch Cuba Raul Castro (hàng đầu, bìa trái) và Phó Chủ tịch thứ nhất Diaz-Canel (giữa) tại một phiên họp Quốc hội Cuba năm 2017

Trao truyền và tiếp nối

Hội đồng Nhà nước Cuba thông báo phiên họp đầu tiên của Quốc hội Chính quyền nhân dân Cuba khóa IX sớm hơn một ngày nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành các trình tự theo đúng yêu cầu cần phải có của một phiên họp có tầm quan trọng lớn. Phiên họp Quốc hội diễn ra trong 2 ngày tại Cung Hội nghị tại thủ đô Havana, trong đó 605 đại biểu quốc hội mới được lựa chọn vào ngày 11-3 vừa qua sẽ tuyên thệ và các đại biểu trên sẽ bỏ phiếu lựa chọn 31 thành viên của Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch nước và các Phó chủ tịch nước.

Quốc hội Cuba dự kiến bầu Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mới trong cuộc bỏ phiếu ngày 18-4 sau khi ông Raul Castro tuyên bố chuyển giao các vị trí chủ chốt của chính phủ cho thế hệ mới. Nhân vật dự kiến kế nhiệm ông Raul Castro chính là Phó Chủ tịch thứ nhất Miguel Mario Diaz-Canel Bermudez (thường gọi là Diaz-Canel), được xem là cánh tay phải của ông Raul Castro từ năm 2013. Dù thôi giữ các chức vụ nói trên, ông Raul Castro vẫn tiếp tục đảm nhiệm cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba đến năm 2021 khi ông bước sang tuổi 90.

Người kế nhiệm ông Raul Castro sẽ đối mặt công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế giữa lúc đồng minh khu vực chủ chốt – nguồn dầu mỏ giá rẻ của nước này là Venezuela đang vật lộn trong khủng hoảng kinh tế, đồng thời trong lúc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có lập trường cứng rắn với Havana. Dù cuộc chuyển giao chính phủ đã nằm trong kế hoạch được vạch trước, nhưng đây vẫn là một thay đổi lịch sử ở Cuba. Theo Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba Raul Castro, ông Diaz-Canel không phải là cán bộ mới nổi lên mà ông ta đã có sự nghiệp chính trị kéo dài gần 30 năm.

Nhà cải cách nhiệt thành

Ông Diaz-Canel sinh năm 1960 trong một gia đình có cha mẹ là giáo viên và công nhân nhà máy ở miền Trung Cuba. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư điện tử, ông gia nhập Lực lượng vũ trang Cách mạng Cuba (FAR). Rời quân ngũ, ông Diaz-Canel chuyển sang lĩnh vực giáo dục và công tác tại Đại học Trung ương Martha Abreu. Ông trở thành lãnh đạo của Đoàn Thanh niên Cộng sản (UJC) và trưởng thành từ phong trào thanh niên. Từng là một giáo sư đại học, ông Diaz-Canel được bầu vào Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết sách cao nhất gồm 14 thành viên của Đảng Cộng sản Cuba, kể từ năm 2003…

Năm 2012, ông Diaz-Canel được Chủ tịch Raul Castro cất nhắc làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và giữ chức vụ này cho tới năm 2013. Ở cả trên cương vị này lẫn khoảng thời gian làm Bộ trưởng Giáo dục, ông Diaz-Canel đều được biết đến với dấu ấn là một nhà cải cách nhiệt thành. Tháng 2-2013, ông Diaz-Canel trở thành Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước Cuba, đồng thời là thành viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Cuba. Trong các bài phát biểu trước công chúng, ông Diaz-Canel lên tiếng ủng hộ ý tưởng tiếp nối chủ nghĩa xã hội và cách mạng tại Cuba. Ông Diaz-Canel khẳng định: “Chúng ta sẽ tiếp tục con đường cách mạng. Chặng đường hành quân chiến thắng của cuộc cách mạng sẽ tiếp tục”.

Trên cương vị quan chức cấp cao, ông Diaz-Canel từng kêu gọi nới lỏng việc kiểm soát chặt chẽ truyền thông tại Cuba, ủng hộ mở cửa truyền thông và hoan nghênh việc phổ cập Internet trong bối cảnh có rất ít người dân Cuba được tiếp cận với công cụ này. Chính phủ Cuba sau đó đã cho phép cấp mạng không dây ở các khu vực công cộng trên cả nước.

Nguồn SGGP