Kinh tế toàn cầu trước nguy cơ giảm phát

Nguy cơ về một đợt giảm phát toàn cầu thứ ba như lời cảnh báo của các nhà phân tích đang trở dần trở thành hiện thực khi các dấu hiệu mới nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – Trung Quốc tiếp tục đi xuống. Tăng trưởng GDP của Nhật Bản cũng sụt giảm.

Nhập khẩu Trung Quốc trong quý 2-2015 giảm gây nên giảm phát của kinh tế nước này

Nhiều dấu hiệu đáng lo

Theo Reuters, nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2014, nhiều hơn so với mức dự báo 8,2% của các nhà phân tích; xuất khẩu trong tháng 8 cũng giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng thứ mười liên tiếp chỉ số nhập khẩu giảm. Nguyên nhân chính được cho là nhu cầu trong nước của Trung Quốc giảm cộng với việc phá giá nhân dân tệ khiến giá hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ. Vấn đề là phần lớn hàng nhập khẩu của Trung Quốc không chỉ là hàng hóa mà còn là nguyên liệu sản xuất hàng hóa để bán ra nước ngoài. Vì vậy, sự sụt giảm nhập khẩu có thể là một dấu hiệu đáng ngại cho xuất khẩu trong những tháng tới.

Một chỉ số khác quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc là dự trữ ngoại hối cũng đã sụt giảm kỷ lục trong tháng 8. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vốn được xem là lớn nhất thế giới đã giảm gần 94 tỷ USD trong tháng 8 trong tổng số hơn 3.500 tỷ USD. Nhưng điều này là kết quả của việc tung ngoại tệ ổn định thị trường chứng khoán (TTCK). Hiện tại, Trung Quốc tiếp tục tung ra nhiều chính sách để bình ổn TTCK, trong đó có việc khuyến khích đầu tư dài hạn, loại bỏ thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức từ cổ phần nắm giữ trong hơn một năm. Theo Reuters, các nhà phân tích cho biết các biện pháp mới nhất không có khả năng khuyến khích nhiều nhà đầu tư trở lại TTCK Trung Quốc hay Hồng Công vì mối lo lớn nhất vẫn là sự trì trệ của kinh tế Trung Quốc.

Cùng ngày 8-9, số liệu của Văn phòng Chính phủ Nhật Bản cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 2-2015 của Nhật Bản giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, không thấp bằng mức dự báo trước đó giảm 1,6%. Các nhà kinh tế Nhật Bản không trông đợi khả năng tăng trưởng kinh tế trong quý 3-2015 vì sản lượng sản xuất tiếp tục thấp và ảnh hưởng xuất khẩu giảm do tác động từ nền kinh tế Trung Quốc.

Làn sóng giảm phát thứ ba lộ dần

Tờ Finacial Times cho biết kinh tế thế giới đứng trước làn sóng giảm phát thứ ba trong vòng chưa đầy một thập kỷ. Làn sóng đầu tiên là khủng hoảng tài chính 2008-2009; làn sóng thứ hai là cuộc khủng hoảng ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) trong giai đoạn 2011- 2012 và giờ đây, có thể làn sóng thứ ba sẽ đến từ một cuộc khủng hoảng ở các thị trường mới nổi.

Làn sóng thứ ba mang rất nhiều điểm đặc trưng của hai làn sóng trước. Tất cả các cuộc khủng hoảng ở thị trường mới nổi sẽ đều bắt nguồn từ thị trường ngoại hối trước khi lan sang các lĩnh vực khác là hàng hóa, nợ, chứng khoán và cuối cùng là nền kinh tế thực. Theo dự báo của tờ báo này, trong vài tháng tới, các TTCK của những nền kinh tế mới nổi có thể chạm đáy. Một cuộc khủng hoảng ở thị trường mới nổi lần này sẽ tạo ra cú sốc cả về giá và lượng bởi ở thời điểm hiện tại, các thị trường này đã đóng góp nhiều hơn vào GDP toàn cầu. Do đó, có thể nói, tác động lần này đến các quốc gia phát triển sẽ là tiêu cực.

Nguồn SGGP