Kinh tế Nga chịu tác động khá lớn khủng hoảng quốc tế

Kinh tế Nga có chiều hướng xấu đi, dù Moskva giành được một số thắng lợi địa-chính trị.

Bộ kinh tế Nga ngày 24/3 cho biết tăng trưởng kinh tế Nga gần như chững lại, lạm phát tăng nhanh và “chảy máu vốn” ra nước ngoài. Đây là dấu hiệu cho thấy những căng thẳng quốc tế xung quanh vấn đề Ukraine đang từng bước tác động tiêu cực tới nền kinh tế Nga.

Những chỉ số kinh tế đáng lo ngại

Thứ trưởng Bộ kinh tế, Andrei Klepach, cho biết trong tháng 2/2014, GDP của Nga chỉ tăng trưởng khoảng 0,3%, thấp hơn mức tăng 0,7% trong tháng 1/2014. Cả năm 2013, kinh tế Nga chỉ tăng 1,3%, thấp hơn dự báo ban đầu. GDP tăng trưởng xấp xỉ 0% trong quý I/2014 khiến cho dự báo tăng trưởng 2,5% cả năm 2014 trở thành một thách thức.

Ông Klepach cho rằng nước Nga sẽ không rơi vào suy thoái, nhưng tình trạng trì trệ sẽ kéo dài và sâu. Xu hướng sụt giảm đầu tư tiếp diễn nên chưa thể dự tính tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu.

Bộ kinh tế Nga dự báo lạm phát ở nước này sẽ chạm ngưỡng 6,9-7% trong tháng 3/2014, so với mức 6,2% trong tháng 2/2014. Sự gia tăng mạnh này phản ánh tình trạng sụt giảm của đồng rúp đang đẩy giá nhập khẩu lên cao hơn, trong bối cảnh dòng vốn ròng chảy khỏi nước này trong quý I/2014 ở mức 65-70 tỷ USD, cao hơn cả con số 62,7 tỷ USD trong cả năm 2013.

1
3 chỉ số kinh tế Nga (từ tháng 3/2013 – tháng 3/2014): Xanh: Tăng trưởng GDP, đỏ: cán cân thanh toán, xanh lá cây: lạm phát

Trong các năm từ 2000 đến 2010, thu nhập bình quân đầu người của nước Nga đã tăng từ 1.500 USD lên 10.000 USD. Theo Wall Street Journal ngày 25/3, nước Nga trở nên giàu hơn nhưng lại không phát triển theo tiêu chuẩn thông thường. Các ngành công nghiệp chế tạo hiện tiên tiến không phát triển. Trong khi các ngành chế tạo của Hàn Quốc và Cộng hòa Czech chiếm ít nhất 20% của GDP, thì của Nga chỉ chiếm 15%, giảm sút đáng kể so với 18% vào năm 2005. Tỷ lệ đầu tư tương đối cao – bằng 26% của GDP,  nhưng phần lớn nguồn tài chính được đưa vào những dự án ít hiệu quả của nhà nước.

Theo số liệu của IMF, thu nhập dầu lửa lên đến 222 tỷ USD năm 2013. Nhưng các ngành kinh tế ngoài dầu khí đóng góp rất ít vào thu nhập quốc dân. Thâm hụt chính phủ từ các nguồn không phải là dầu khí chiếm 11% của GDP.

Vấn đề dân số già hóa đang đề nặng lên nguồn tài chính quốc gia. Mỗi năm có khoảng 1 triệu người Nga nghỉ hưu. Có rất ít lực lượng trẻ thay thế vào lực lượng lao động khoảng 100 triệu người. Trong thời gian 5 năm vừa qua, quỹ lương hưu tăng trung bình 25% mỗi năm.

Đồng rúp mất giá

Đơn vị tiền tệ của Nga đã liên tục bị mất giá trong sáu tuần đầu năm 2014, giảm 6,5% so với đồng USD và hơn 5% so với đồng euro. Sergoy Dmitriev của ban tiếng Nga đài RFI giải thích về nguyên nhân: “Đồng rúp đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ 4 năm qua. Nhìn từ phía Moskva, đây là một sự điều chỉnh bởi vì trong quá khứ đồng rúp được định giá cao hơn so với trị giá thực sự của nó. Ngân hàng Trung ương cố tình giữ giá đồng tiền quốc gia ở mức cao để tránh lạm phát. Cần biết rằng 70% tiền ủy thác của các ngân hàng Nga đều nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Elvira Naboiullina, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, tuyên bố đồng rúp mất giá không phải là do đơn vị tiền tệ của Nga yếu mà là do đồng euro và USD tăng giá mạnh. Dù vậy, trung tuần tháng 1/2014, định chế tài chính này đã liên tục tung tiền để mua vào đồng rúp nhằm giữ giá đơn vị tiền tệ quốc gia ở một mức phải chăng và tăng lãi suất chỉ đạo với hy vọng ngăn chặn được hiện tượng chảy máu vốn ra nước ngoài. Nhưng từ gần ba tuần qua, Ngân hàng Trung ương đã giới hạn sự can thiệp đó để “thả nổi tỷ giá đồng tiền theo luật cung cầu của thị trường”.

Phần lớn ngân sách của Liên bang Nga phụ thuộc vào tổng kim ngạch xuất khẩu dầu lửa và khí đốt. Hóa đơn bán năng lượng cho nước ngoài luôn được tính bằng USD. Thành quả đó có được chủ yếu nhờ giá dầu lửa và khí đốt trên thế giới đã tăng lên ở mức 105 USD/thùng trong 3 năm qua. Nhưng do bản thân kinh tế của nước Nga thì bị chựng lại khiến thuế thu vào giảm đi. Trong ngắn hạn đồng rúp càng mất giá so với USD chừng nào thì lại càng có lợi cho chính phủ chừng đó. Theo một số nhà phân tích, Tổng thống Putin đã cố ý để cho đồng tiền Nga trượt giá, qua đó có thêm phương tiện nhằm tài trợ các chương trình xã hội và kinh tế như đã cam kết. Xuất khẩu khí đốt và năng lượng của Nga được thanh toán bằng USD, đem về đến 40% ngân sách của chính quyền liên bang. Điều đó cũng cho thấy đồng rúp mất giá khiến thu nhập của Chính phủ Nga được thổi phồng lên.

Với một đồng tiền bị mất giá, hàng hóa của Nga sẽ rẻ hơn và như vậy dễ bán ra nước ngoài hơn. Với một đồng rúp bị mất giá, hàng nước ngoài nhập vào thị trường Nga trở nên đắt đỏ hơn, có thể là yếu tố khiến người dân Nga thiên về hàng nội hơn là hàng ngoại.

Thêm một lợi thế không nhỏ khác là các tập đoàn nước ngoài có cơ sở tại Nga nhẹ gánh hơn khi trả lương cho nhân viên bằng đồng rúp. Moskva coi đây là một yếu tố quyết định để cầm chân các nhà đầu tư nước ngoài.

Dư luận nước này vẫn còn bị ám ảnh bởi những đợt đồng rúp phá giá liên tục kể từ khi Liên Xô sụp đổ và nhất là trong giai đoạn năm 1998 hay năm 2009 khi nước Nga bị đe dọa khủng hoảng tài chính và tiền tệ. Khủng hoảng tài chính Nga năm 1998 dẫn tới hậu quả là lạm phát khi đó tăng 84% trong vòng một năm.

Mặc dù cho tới nay các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau sự kiện Crimea mới chỉ tác động nhỏ về mặt kinh tế, song các chỉ số kinh tế có phần kém tích cực hơn, phần nào do quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây ảnh hưởng tới lòng tin của các nhà đầu tư. Hiện nay người Nga đang hoan nghênh lập trường cứng rắn của Tổng thống nhằm tăng cường vị thế nước lớn. Uy tín của Tổng thống Putin tăng mạnh trở lại sau Thế vận hội mùa đông ở Sochi và việc sáp nhập Crimea. Nhưng mọi điều sẽ nhanh chóng thay đổi nếu tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi./.

Nguồn Tổ quốc