Kiểm tra công tác phòng chống dịch tả heo Châu Phi các huyện phía Đông

(THTG) Ngày 04/06, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh và ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác Phòng chống dịch bệnh tả heo Châu Phi tỉnh Tiền Giang có cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông về công tác triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch.

vlcsnap-2019-06-04-14h31m05s644

 vlcsnap-2019-06-04-14h31m37s228

Lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với huyện Chợ Gạo về công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi. Ảnh: Trần Liêm

Chợ Gạo là địa phương có tổng đàn heo lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, với hơn 116.000 con, 5 cơ sở giết mổ công suất 300 con/ngày, cung cấp cho thị trường khoảng 27 tấn thịt/ngày. Ngoài ra, Chợ Gạo còn có 02 điểm tập trung, trung chuyển heo hơi và là địa phương giáp ranh với tỉnh Long An, nên nguy cơ bệnh dịch tả heo Châu Phi xâm nhiễm rất cao. Để phòng chống dịch bệnh, huyện Chợ Gạo đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, phân công từng thành viên cụ thể, giám sát chặt chẽ tình hình triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

vlcsnap-2019-06-04-14h31m15s749

Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trần Liêm

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu lãnh đạo các xã ngay trong ngày 04/6, nắm chắc lại toàn bộ số hộ chăn nuôi, số lượng heo hiện có trên địa bàn, chuẩn bị sẵn sàng địa điểm tiêu hủy heo nhiễm bệnh, đồngthời chuẩn bị nhân công lao động và dụng cụ phục vụ tiêu hủy, chú ý ngăn chặn mầm bệnh từ các chợ có buôn bán thịt heo, kiện toàn lực lượng xung kích, tổ chức trực chống dịch… Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh cung cấp bộ dụng cụ kiểm tra nhanh bệnh dịch tả heo Châu Phi cho Ban chỉ đạo huyện, Sở Tài chính bảo đảm tài chính phục vụ công tác chống dịch. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang kêu gọi người chăn nuôi cần nâng cao cảnh giác và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Về phía người thu mua, tuyệt đối không được thu mua heo bệnh hoặc tiếp tay cho người chăn nuôi bán chạy heo bệnh.

* Tại huyện Gò Công Tây và Gò Công Đông, ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cùng đại diện các ngành chức năng của tỉnh đến kiểm tra công tác phòng chống dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn.

vlcsnap-2019-06-04-14h43m10s631

vlcsnap-2019-06-04-14h43m23s712

Ông Phạm Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc tại huyện Gò Công Đông. Ảnh: Anh Tuấn

Theo số liệu thống kê, hiện nay huyện Gò Công Đông có 139 hộ chăn nuôi heo, với 14.266 con, giảm 50% so với đầu năm 2019. Riêng đối với huyện Gò Công Tây có 1.530 hộ nuôi, từ 45.500 con đầu năm giảm còn 31.450 con. Hiện nay, công tác chuẩn bị như nắm lại cụ thể tổng đàn của từng hộ chăn nuôi, trang bị vật tư khử trùng, bảo hộ, thành lập đội ứng phó nhanh… đã được các huyện triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc chủ động tổ chức nắm danh sách các hộ tiểu thương, lò giết mổ, các hộ mua bán thịt nhỏ lẻ, bố trí lực lượng ứng phó, nơi chôn lấp… cũng đã được các địa phương chuẩn bị.

Trên tinh thần chủ động của huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây,  ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra, nhất là các lò giết mổ, đảm bảo thịt heo phải được kiểm dịch trước khi đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch tả heo Châu Phi đến các hộ chăn nuôi và người dân, đảm bảo không giấu dịch; không mua bán vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh heo chết; không vứt heo chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Kim Nữ