Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, vị thế của phụ nữ

Các cấp Hội LHPN đã quyết tâm triển khai thắng lợi phong trào thi đua, các cuộc vận động, khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm, qua đó thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt cho hội viên, phụ nữ.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự khai mạc Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII. Ảnh: VGP/Nguyến Hoàng

Báo cáo tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII khai mạc sáng 7/3 do Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Hoàng Thị Ái Nhiên trình bày cho biết, nhiệm kỳ qua, Hội LHPN Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm đoàn kết, tập hợp, vận động, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, địa phương, các cấp Hội đã quyết tâm triển khai thắng lợi phong trào thi đua, các cuộc vận động, khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm, qua đó thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt cho hội viên, phụ nữ.

Từ thực tế kết quả phong trào phụ nữ, kết quả hoạt động của Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2012-2017, 5 bài học kinh nghiệm lớn đã được rút ra.

Thứ nhất, các cấp Hội phải bám sát và cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chọn khâu đột phá, tập trung nguồn lực để thực hiện những nhiệm vụ cấp bách; trong từng thời điểm biết chọn chủ đề ưu tiên; kiên trì thực hiện các mục tiêu lâu dài là bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

Thứ hai, mọi hoạt động của tổ chức Hội đều phải xuất phát từ thực tiễn và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của phụ nữ. Để tạo sự gắn bó của hội viên, phụ nữ với tổ chức Hội, cần đáp ứng lợi ích thiết thực về vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, phụ nữ; phát huy khả năng to lớn và vai trò chủ thể của phụ nữ. Khơi dậy và phát huy truyền thống vẻ vang, tinh thần đoàn kết, nhân ái, trí tuệ, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ Việt Nam thành sức mạnh nội lực chủ động giải quyết các vấn đề của bản thân, của gia đình và thực hiện trách nhiệm đối với xã hội.

Thứ ba, xây dựng cơ quan chuyên trách Hội vững mạnh; đội ngũ cán bộ Hội các cấp có tâm huyết, trách nhiệm, tận tình, có năng lực, có kỹ năng vận động phụ nữ, có kinh nghiệm thực tiễn, chuyên nghiệp là nhân tố quyết định thành công của phong trào thi đua, các cuộc vận động và nhiệm vụ công tác Hội. Mỗi cán bộ Hội đều phải nhận thức đúng về vai trò, trách nhiệm và thực hành nhuần nhuyễn phương pháp công tác của người cán bộ làm công tác vận động quần chúng “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Thứ tư, để thực hiện tốt vai trò đại diện, các cấp Hội cần tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; chủ động phản biện xã hội, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành, hoàn thiện và lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt, kiểm tra, giám sát các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ; tiếp tục đề xuất các chương trình, đề án có liên quan đến phụ nữ.

Thứ năm, chủ động, tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực trong và ngoài nước đáp ứng yêu cầu của phong trào phụ nữ và công tác Hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Hoàng Thị Ái Nhiên trình bày báo cáo tại Đại hội. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2017-2022, Hội xác định sẽ đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức hoạt động Hội theo hướng thiết thực, chuyên nghiệp.

Theo đó, Hội tập trung tham mưu, đề xuất chính sách, giám sát, phản biện xã hội; tăng cường vận động xã hội, tích cực hội nhập quốc tế; chăm lo tốt hơn lợi ích chính đáng của phụ nữ, tạo động lực động viên đông đảo phụ nữ phát huy dân chủ, cần cù, năng động, sáng tạo, trách nhiệm xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững, xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và tổ chức Hội, thực hiện mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới.

Hội phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, cấp Trung ương tham mưu đề xuất được ít nhất 5 chính sách/đề án; cấp tỉnh và huyện tham mưu đề xuất ít nhất 2 chính sách/chương trình/đề án liên quan đến phụ nữ. Hằng năm, các cấp Hội giám sát ít nhất 1 chính sách; đóng góp ý kiến, phản biện xã hội ít nhất 1 văn bản dự thảo có liên quan.

Hằng năm, mỗi cơ sở Hội tổ chức ít nhất 2 hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ; mỗi cơ sở Hội phát hiện, xây dựng, biểu dương, tuyên truyền nhân rộng ít nhất 2 điển hình là cá nhân phụ nữ tiêu biểu, mô hình hoặc cách làm hay; đạt chỉ tiêu ít nhất 20.000 điển hình/năm trong toàn quốc.

Hằng năm, mỗi cơ sở Hội đăng ký với cấp ủy, chính quyền thực hiện ít nhất 1 hoạt động thiết thực, phù hợp tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; giúp thêm được ít nhất 2 hộ gia đình đạt các tiêu chí “gia đình 5 không, 3 sạch”, phấn đấu cả nước giúp được thêm ít nhất 20.000 hộ đạt 8 tiêu chí, trong đó ít nhất 10.000 hộ thoát nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều.

Hằng năm, các cấp Hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Hội đào tạo nghề, phối hợp, giới thiệu đào tạo nghề cho 75.000 lao động nữ; hỗ trợ 2.500 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập ít nhất 60 hợp tác xã do phụ nữ quản lý…

ĐCSVN