- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuẩn bị đấu thầu vàng miếng SJC. - Truy tố nguyên giám đốc CDC Tiền Giang Nguyễn Ngọc Chơn. - Giá USD ngân hàng lập đỉnh gần 25.300 đồng - Tiền Giang dự kiến tổ chức Lễ hội trái cây vào tháng 6/2024. - Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ LĐ-TB-XH tăng lương tối thiểu từ 1.7. - Cựu chủ tịch tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự bị tuyên phạt 3 năm tù treo. - Kom Tum động đất mạnh 3.9 độ richter - Công an sẽ thu thập dữ liệu mống mắt khi làm thẻ căn cước. - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong. - Cơm, mì nui gà của bà Hoàng A. trước cổng trường khiến 12 học sinh Nha Trang ngộ độc. - Tháo dỡ xong khách sạn 12 tầng xây sai phép ở Phú Quốc...

Không khuất phục trước ngoại bang

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông ta chưa bao giờ khuất phục trước ngoại bang, chưa bao giờ lùi bước trước khó khăn, gian khổ

Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XIV, chiều 8-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo làm rõ vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB) QH.

Nguy cơ lớn nhất là không hành động

Mở đầu bài phát biểu trước khi các ĐB chất vấn trực tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong các vị ĐBQH cùng chia sẻ theo tinh thần Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì những khó khăn, thách thức phía trước là không hề nhỏ. Xóa đói giảm nghèo đã khó, làm cho đất nước cường thịnh, bền vững, thu hẹp và tiến kịp các nước phát triển sẽ càng khó khăn hơn nhiều.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông ta, những bậc tiền bối của chúng ta chưa bao giờ khuất phục trước ngoại bang, chưa bao giờ lùi bước trước những khó khăn, gian khổ. Tiếp nối truyền thống đó, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu với tinh thần tự lực tự cường với tất cả lòng tự hào, tự tôn dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng đất nước giàu mạnh, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, xã hội bình yên, thịnh vượng.

Theo Thủ tướng, thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế. Thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm.

Về quốc phòng, an ninh, nhiều ĐBQH bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước các hành vi vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của nước ta được xác định theo luật pháp quốc tế trên biển Đông; đồng thời hiến kế cho Chính phủ nhiều giải pháp cụ thể. Thủ tướng khẳng định đây cũng là mối quan tâm, nỗi lo lắng chung của đồng bào ta.

Theo Thủ tướng, dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, trải qua nhiều cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ độc lập và thống nhất đất nước, nên khó có ai thấm nhuần ý nghĩa của hòa bình sâu sắc hơn chúng ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và trên cơ sở các căn cứ pháp lý, thời gian qua, chúng ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền trên vùng biển nước ta.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng triển khai các hoạt động thực thi pháp luật bằng nhiều giải pháp phù hợp, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” bảo đảm môi trường phát triển hòa bình nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển Đông. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của bạn bè quốc tế, của những quốc gia và lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý.

Không khuất phục trước ngoại bang - Ảnh 1.

Thủ tướng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Ảnh: QUANG VINH

Tự chủ nhưng không “một mình một chợ”

Theo báo cáo của người đứng đầu Chính phủ, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp dự báo chúng ta đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. “Nhưng kết quả này sẽ cao hơn nữa nếu mỗi chúng ta cùng nêu gương, hành động quyết liệt hơn để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của nền kinh tế” – Thủ tướng nói.

QH dành nhiều thời gian cho chất vất và trả lời chất vấn, để Thủ tướng làm rõ thêm các vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ.

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) và một số ĐB khác về việc Chính phủ có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tư nhân phát triển tương xứng với tiềm năng và đóng góp của khu vực kinh tế này, Thủ tướng khẳng định khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 40% GDP cho nền kinh tế. Đảng, nhà nước xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển đất nước. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân.

Dẫn câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “nếu DN tư nhân nào làm tốt, đóng góp thiết thực cho đất nước phát triển, đặc biệt những DN công nghệ, nên thưởng huân chương bậc cao cho những DN ấy”, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta không hề phân biệt giữa kinh tế tư nhân và nhà nước, chúng ta bình đẳng các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Trên cơ sở đó, Thủ tướng nói và yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt chủ trương của trung ương, Nghị quyết trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đặt câu hỏi: Chính phủ có những quyết sách gì tận dụng cơ hội khi năm 2020, Việt Nam sẽ là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Chủ tịch ASEAN? Đồng thời, sẽ tập trung hỗ trợ như thế nào đối với DN nhỏ và vừa để họ có thể khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Việt Nam cần tận dụng thời cơ này để đưa đất nước có bước phát triển mới tốt hơn, vị thế tốt hơn. Chúng ta phải đẩy mạnh quan hệ thương mại đầu tư trong nội khối thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các nước ASEAN đấu tranh giữ gìn hòa bình, thống nhất trong ASEAN, để bảo vệ luật pháp quốc tế ở khu vực biển Đông.

Trước câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) về mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, Thủ tướng nêu quan điểm: Việc nói độc lập, tự chủ trong nền kinh tế hội nhập không có nghĩa là chúng ta đứng “một mình một chợ”, mà phải xây dựng một nền kinh tế tích cực chủ động hội nhập. Chúng ta cũng đa dạng hóa, đa phương hóa mối quan hệ quốc tế để không bị cô lập một thị trường một quốc gia nào.

Không né tránh, thẳng thắn nhận trách nhiệm

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc trong không khí dân chủ và tinh thần trách nhiệm cao, QH đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8. Đã có gần 250 lượt ĐBQH tham gia chất vấn và tranh luận, cho thấy các ĐBQH phản ánh được tâm tư nguyện vọng của cử tri.

Thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức trách nhiệm đã chuẩn bị kỹ lưỡng, trả lời nghiêm túc, chân thành, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu. Đồng thời, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực của mình phụ trách, cũng như đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

 

ĐBQH PHẠM THỊ MINH HIỀN (Phú Yên):

Hành động vì chủ quyền biển Đông

Phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khép lại phiên chất vấn kéo dài 3 ngày, dù còn nhiều câu hỏi, nhiều mong mỏi của cử tri chưa được gửi đến các thành viên Chính phủ.

Tôi rất tiếc khi quỹ thời gian không đủ để tôi được đứng lên chất vấn Thủ tướng về các vấn đề liên quan đến bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc, đặc biệt là vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. Tôi cũng tiếc khi trong cả phiên chất vấn đã không có câu hỏi nào liên quan đến biển Đông được các ĐB kịp nêu ra.

Dẫu vậy, Thủ tướng trong bài phát biểu trước khi các ĐB chất vấn trực tiếp đã dành thời lượng nhất định để nêu quan điểm của Chính phủ về biển Đông – một trong những vấn đề trọng tâm, trọng điểm được dư luận hết sức quan tâm. Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận các hành vi vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của nước ta được xác định theo luật pháp quốc tế trên biển Đông đã là mối quan tâm, nỗi lo lắng chung của đồng bào. Từ đó, nhấn mạnh tinh thần kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển Đông. Khẳng định của Thủ tướng càng có ý nghĩa trong bối cảnh đất nước vẫn tiếp tục đối diện với những diễn biến mới về chủ quyền quốc gia, đặc biệt là chủ quyền biển.

Tôi muốn thay mặt cử tri thể hiện nhất trí với quan điểm bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân, không chỉ là công việc riêng của lực lượng vũ trang, của ngành ngoại giao. Từ những sự kiện trên biển 5 năm qua, có thể thấy bên cạnh mặt trận chính trị – ngoại giao do Chính phủ trực tiếp thực hiện, các kênh “ngoại giao 2” như ngoại giao công chúng, đấu tranh truyền thông, học thuật và vận động dư luận đã phát huy hiệu quả cao độ, củng cố tinh thần đoàn kết trong nhân dân, góp phần tạo ra áp lực dư luận mạnh mẽ để các bên có liên quan điều chỉnh hành vi phạm pháp của mình.

Cử tri mong muốn Chính phủ có chiến lược, giải pháp, ngân sách, sự khuyến khích cụ thể đối với đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo, hệ thống báo chí trong việc hình thành nền ngoại giao công chúng chuyên nghiệp, sẵn sàng chiến đấu trên mặt trận học thuật, mặt trận truyền thông mà Trung Quốc và các nước khác đang đẩy mạnh. Tôi cũng như các cử tri cho rằng có những việc mặt trận quân sự thực địa, mặt trận chính trị – ngoại giao không làm được thì “kênh 2” với các nhà khoa học, đội ngũ truyền thông sẽ làm được.

 

ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN (TP HCM):

Thủ tướng chuẩn bị rất nghiêm túc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chuẩn bị rất nghiêm túc và thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, mạnh trong việc làm thế nào để đất nước tiếp tục chắp cánh tăng tốc và phát triển. Thủ tướng cũng đi vào những vấn đề cụ thể, lắng nghe rất rõ các chất vấn của ĐB nên đã trả lời chi tiết từng câu hỏi. Trả lời của Thủ tướng thẳng thắn, trực diện vấn đề, kể cả vấn đề khó như đầu tư công, văn hóa, môi trường, xử lý cán bộ…

 

Trưởng Ban Công tác đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội NGUYỄN THANH HẢI:

Bao quát mọi vấn đề đất nước

Qua 3 ngày diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tôi nhận thấy 4 vị bộ trưởng trả lời chất vấn có trọng tâm rõ ràng. Các vấn đề được ĐBQH đặt lên bàn nghị sự, có bộ trưởng trả lời và hứa giải quyết ngay, có vấn đề còn vướng lý do khách quan chưa thể “chốt” ngay. Tuy nhiên, qua trả lời của 4 bộ trưởng không thấy sự né tránh.

Tác động rất tích cực của các phiên chất vấn là các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu góp ý của ĐBQH để từ đó chỉ đạo, điều hành sâu sát hơn lĩnh vực mình quản lý. Ngược lại thì ĐBQH qua trả lời của bộ trưởng thấy rằng vấn đề nêu lên không thể một ngành làm được mà cần sự phối hợp giữa các ngành, cần bổ sung hành lang pháp lý, cần thêm nguồn lực để thực thi… Từ đó, cử tri cũng hiểu thêm và chia sẻ với khó khăn của từng bộ, ngành.

Nguồn NLĐ

0 Bình luận

Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.

Gửi bình luận

 


 
*