Không để lạm phát quay trở lại; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

       Trong hai ngày 5 và 6-9, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

              
                              Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp.            Ảnh: TRẦN HẢI  

        Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và tám tháng qua, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: Tính đến ngày 20-8, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 10,3% so ngày 31-12-2011. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 1,4% so ngày 31-12-2011. Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tính đến ngày 15-8 ước đạt 418,46 nghìn tỷ đồng, bằng 56,5% dự toán năm, tăng 1,7% so cùng kỳ năm trước. Trong tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,8 tỷ USD, giảm 3,8% so tháng 7; kim ngạch nhập khẩu ước 9,95 tỷ USD, tăng 3,5% so tháng trước. Nhập siêu tháng 8 khoảng 150 triệu USD. Tám tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 73,35 tỷ USD, tăng 17,8% so cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước hơn 73,41 tỷ USD, tăng 6,7% so cùng kỳ  năm trước. Nhập siêu tám tháng qua ước 62 triệu USD, bằng 0,08% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Vốn đầu tư từ NSNN lũy kế đến ngày 15-8 ước đạt hơn 106,15 nghìn tỷ đồng, bằng 59% kế hoạch năm. Vốn trái phiếu Chính phủ tám tháng giải ngân đạt 25,96 nghìn tỷ đồng, bằng 57,7% kế hoạch năm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tám tháng qua ước đạt 7,28 tỷ USD, bằng xấp xỉ cùng kỳ năm 2011; tổng vốn đăng ký ước đạt gần 8,48 tỷ USD, bằng 66,1% so cùng kỳ năm trước. Vốn ODA giải ngân ước đạt 2,61 tỷ USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 4,1% so tháng trước và tăng 4,4% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp , nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng ở mức thấp, tồn kho tuy có xu hướng giảm dần nhưng vẫn ở mức cao (20,8%). IIP tám tháng qua tăng 4,7% so cùng kỳ năm 2011, bằng 64,4% mức tăng cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tám tháng qua ước đạt 1.517,7 tỷ đồng, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2011. Tám tháng qua, cả nước có hơn 46 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 320 nghìn tỷ đồng, giảm 11,5% về số DN nhưng tăng 0,2% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2011. Như vậy, tính đến nay, cả nước có hơn 670 nghìn DN đã được thành lập, trong đó hơn 470,4 nghìn DN đang hoạt động, chiếm 70,2%. Có gần 35,5 nghìn DN gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động trong tám tháng, tăng 7,1% so cùng kỳ năm 2011.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận dự báo kinh tế-xã hội chín tháng và cả năm 2012, đồng thời thảo luận nhiệm vụ, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội chiều 5-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Tám tháng qua, bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cả hệ thống chính trị, đất nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn diện, nhiều chuyển biến tích cực, đúng định hướng, mục tiêu mà Ðảng, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra từ đầu năm. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, hiện đang nổi lên vấn đề kinh tế vĩ mô chưa vững chắc: tăng tín dụng thấp, DN gặp nhiều khó khăn, thanh khoản của nền kinh tế khó khăn sang cả năm sau, sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, tồn kho hàng hóa giảm chậm; việc giải quyết nợ xấu ngân hàng vẫn chưa ổn, dẫn tới tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng chưa lành mạnh…

Thủ tướng nêu rõ, nếu các bộ, ngành chủ quan, không kiểm soát chặt giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu… thì tình hình sẽ trở nên phức tạp. Do đó, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần kiểm soát tốt giá lương thực, nhất là lúa gạo, cũng như ngay từ bây giờ phải bảo đảm nguồn cung thịt lợn, gà cho dịp Tết Âm lịch 2013. Tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ để bảo đảm an toàn hệ thống. Thủ tướng cũng khẳng định, pháp luật sẽ nghiêm trị bất cứ cá nhân nào cố tình lũng đoạn ngân hàng để trục lợi.

Ðể thực hiện tốt các nhiệm vụ còn lại của năm 2012 cũng như chuẩn bị tốt cho năm 2013, Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục  thực hiện quyết liệt các giải pháp và Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra từ đầu năm. Trong đó, đặc biệt lưu ý phải kiểm soát chặt chỉ số CPI năm nay ở mức 7%; tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN; ưu tiên tín dụng, hướng vào nông nghiệp, nông thôn, DN nhỏ và vừa. Về tình hình năm 2013, Thủ tướng nêu rõ: Kinh tế thế giới theo nhiều dự báo phục hồi chậm nhưng có khả năng tăng trưởng cao hơn năm 2012; giá lương thực, xăng dầu thế giới sẽ tăng, tác động đến nước ta, ngay từ bây giờ phải tính toán cân đối. Do vậy, mục tiêu tổng quát năm 2013 là tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và không để lạm phát quay trở lại; phấn đấu đạt mức tăng trưởng hợp lý, GDP năm 2013 ở mức 6%. Tiếp tục đẩy mạnh quyết liệt tái cơ cấu, tập trung và tái cơ cấu đầu tư DNNN, ngân hàng, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, chủ quyền quốc gia… Ðẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án sử dụng nguồn vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, ODA.

Thủ tướng giao Bộ Công thương tính toán, bảo đảm năm 2013 đạt mức tăng trưởng xuất khẩu ở mức 10-12%, nhập siêu ở mức  8-10%, giữ nguyên mức bội chi NSNN ở mức 4,8% GDP. Thủ tướng giao ngành Tài chính bảo đảm cân đối thu chi NSNN trong điều kiện khó khăn về nguồn thu hiện nay, nhất là tập trung tìm nguồn vốn để quyết tâm cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A với hình thức phát hành trái phiếu, hợp tác công-tư (PPP). Các bộ, ngành, địa phương quán triệt tinh thần hết sức tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, trong đó trách nhiệm trước hết thuộc  về người lãnh đạo. Thủ tướng nhấn mạnh, cần chú ý giải pháp huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển để năm 2013 tạo chuyển biến lớn, nhất là hình thức PPP, cùng với bảo đảm mức tăng trưởng tín dụng hợp lý. Giá than, xăng dầu kiên quyết thực hiện theo cơ chế thị trường, nhưng minh bạch. Các bộ, ngành liên quan rà soát cơ chế điều hành giá, điều gì còn bất cập, chưa hợp lý thì sẽ điều chỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN, tháo gỡ khó khăn cho thị trường chứng khoán…

* Chiều 5-9, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Ðức Ðam. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành. Sau khi thông báo vắn tắt những nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Ðức Ðam và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trả lời câu hỏi của các nhà báo liên quan vấn đề: điều hành giá xăng dầu, tái cơ cấu DNNN, xử lý nợ xấu các ngân hàng, mức bội chi ngân sách, việc kiềm chế lạm phát,…

Về việc tái cơ cấu DNNN, nhất là sắp xếp lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Ðức Ðam cho biết: Hiện có 11 tập đoàn kinh tế nhà nước. Chính phủ chủ trương sẽ giảm số này xuống còn từ năm đến bảy tập đoàn thuộc các lĩnh vực quan trọng đối với quốc kế dân sinh cũng như an ninh, quốc phòng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tăng cường trách nhiệm hơn nữa đối với những DNNN này. Những tập đoàn khác sẽ được tổ chức lại, giao quyền quản lý trực tiếp hơn cho các Bộ trưởng chuyên ngành.

* Ngày 6-9, Chính phủ tiếp tục họp thảo luận về một số đề án, dự án luật.