Không để dịch bệnh viêm phổi tại Trung Quốc xâm nhập Việt Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về dịch bệnh viêm phổi tại Trung Quốc (và khả năng lây lan vào Việt Nam). 
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển không để dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập nước ta.
1_hsot_kdvt
Sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa tại các sân bay, cửa khẩu quốc tế để kịp thời phát hiện những người nhập cảnh có biểu hiện sốt

Bộ Y tế khẩn trương ban hành kế hoạch ứng phó với dịch bệnh theo quy định và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới; tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra giám sát và phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị và hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho các địa phương. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình dịch, các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 17-1, trước tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona là chủng virus hoàn toàn mới đang diễn ra phức tạp ở TP Vũ Hán, Trung Quốc, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona (nCoV) mới gây ra. Trong phác đồ điều trị, Bộ Y tế chỉ rõ, người nhiễm nCoV có các triệu chứng cấp tính như: ho, sốt, khó thở, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch. Đáng chú ý, hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh viêm phổi cấp do nCoV.

Ca bệnh nghi ngờ mắc viêm phổi cấp do nCoV mới gồm các trường hợp sốt, viêm phổi, viêm phổi kẽ, mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh X-quang tổn thương các mức độ khác nhau mà không lý giải được bằng các nhiễm trùng hoặc căn nguyên khác. Khi phát hiện các ca bệnh nghi ngờ, bệnh nhân phải được khám ở khu riêng tại bệnh viện, được lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu, từ đó chẩn đoán, xác định bệnh. Ca bệnh xác định phải nhập viện và theo dõi cách ly hoàn toàn. Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm phổi cấp nên các trường hợp mắc bệnh chủ yếu điều trị các triệu chứng, phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác (nếu có). Trong trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân phải được hỗ trợ hô hấp, thông khí nhân tạo xâm nhập, hỗ trợ chức năng các cơ quan và được điều trị hỗ trợ.

Theo Bộ Y tế, từ tháng 12-2019 tới nay, nCoV đã gây dịch viêm phổi cấp làm nhiều người mắc tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Tới thời điểm này, tại TP Vũ Hán đã ghi nhận 59 trường hợp mắc viêm phổi cấp, 7 trường hợp nặng và 2 ca tử vong. Không chỉ vậy, một số nước trong khu vực cũng đã ghi nhận một số trường hợp nghi nghiễm viêm phổi cấp do nCoV tới từ TP Vũ Hán. Còn tại nước ta đã phát hiện 2 người có quốc tịch Trung Quốc (cư trú tại TP Vũ Hán) nhập cảnh vào Việt Nam có biểu hiện sốt tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng qua máy đo thân nhiệt từ xa.

Trước tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do nCoV có nguy cơ xâm nhập và lây lan, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh, đẩy mạnh kiểm dịch, đo thân nhiệt khách nhập cảnh tại các cửa khẩu, chủ động sẵn sàng thu dung, điều trị, quản lý tốt các trường hợp nhiễm bệnh ngay khi phát hiện…

Nguồn SGGP