- Nông dân Tân Phước phấn khởi do giá khóm ở mức cao, từ 7.000đ- 9.000/ký. - Giá USD liên tục tăng kịch trần, NHNN sẵn sàng can thiệp. - Vụ ‘tịnh thất Bồng Lai’: Ông Lê Tùng Vân bị khởi tố thêm tội loạn luân. - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung bị Bộ Chính trị kỷ luật khiển trách. - Đề xuất nâng thời gian kê đơn thuốc cho bệnh mạn tính 60 ngày/lần. - Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển đổi 43 ha rừng làm đường ven biển - Tổ chức Y tế Thế giới WHO sơ tuyển vaccine tả Euvichol-S vào ngày 19/4, nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm vaccine. - Đề nghị khai trừ Đảng cựu bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ. - Ngân hàng Nhà nước dự kiến tổ chức phiên đấu thầu vàng vào ngày 22-4. - TP Cần Thơ: Sụt lún kho lương thực, ước thiệt hại 10 tỷ đồng. - Bí thư Quận 8 làm Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM...

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc

 Báo cáo nhanh sáng 6/8 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai cho biết, hiện nay, các địa phương chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ (Sơn La, Yên Bái) đang tích cực thực hiện công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ ổn định đời sống cho người dân.

Lực lượng vũ trang tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ tại Yên Bái (Ảnh: baoyenbai.com.vn)

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Cụ thể, tại tỉnh Sơn La, địa phương đã huy động trên 2.500 người tham gia giúp đỡ người dân, đồng thời huy động máy móc thiết bị tìm kiếm người mất tích. Hiện tỉnh đã tiếp nhận 6,5 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân và các vật dụng thiết yếu khác gồm: 2,4 tấn gạo, 967 thùng mỳ tôm, 104 bao quần áo và nhiều vật dụng khác nhằm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Bên cạnh đó, bố trí chỗ ở tạm cho 287 hộ dân bị lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa và các hộ dân phải di dời khẩn cấp. Phối hợp với các sở ngành khẩn trương làm cầu tạm để nối 2 đầu cầu Nậm Păm phục vụ cho công tác vận chuyển vật tư nhu yếu phẩm cho công tác cứu hộ, đặc biệt tại xã Nậm Păm. Phối hợp với các ngành chức năng để sớm khắc phục hệ thống điện, thông tin liên lạc và cấp nước sạch cho người dân.

Tại tỉnh Yên Bái, địa phương đã tổ chức huy động các lực lượng với tổng số 2.100 người, huy động 10 xe công trình, 90 xe ô tô các loại, 2 xuồng cứu hộ, 3 máy bơm công suất lớn tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ, tìm kiếm người mất tích. Huyện Mù Cang Chải đã tổ chức di dời 47 hộ với 247 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Huyện Mù Cang Chải đã tiếp nhận số tiền 1,944 tỷ đồng; 3,4 tấn gạo và 1.000 thùng quà từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ bà con bị thiệt hại do lũ gây ra. Tỉnh đã quyết định hỗ trợ đối với các gia đình có người chết và mất tích 10 triệu đồng/người; hỗ trợ người bị thương 2,5 triệu đồng/người; hỗ trợ các gia đình có nhà bị cuốn trôi 25 triệu đồng/nhà; đồng thời, hỗ trợ các gia đình có nhà bị trôi 15kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian 6 tháng.

Hiện các địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả, tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, dựng lại nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh, bố trí chỗ ở cho các hộ bị thiệt hại về nhà ở, khắc phục đường giao thông, sửa chữa công trình thủy lợi và cơ sở hạ tầng để ổn định đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ người dân các địa phương chịu ảnh hưởng mưa lũ, ngày 5/8 đoàn công tác của Bộ Tài Nguyên và Môi trường do Bộ trưởng Trần Hồng Hà dẫn đầu đã trực tiếp lên tỉnh Yên Bái để thị sát tình hình thiệt hại do lũ gây ra, đồng thời trao 800 triệu đồng cho tỉnh Yên Bái để khắc phục hậu quả mưa, lũ. Trung ương hội Chữ Thập đỏ đã cử 2 đoàn công tác đến Sơn La để hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả, trong đó, đã hỗ trợ địa phương 180 thùng hàng nhu yếu phầm cẩn thiết và hơn 500 triệu đồng. Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ những nạn nhân bị thiệt hại do mưa lũ số tiền 600 triệu đồng.

Mưa lũ làm 23 người chết

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, mưa lũ xảy ra từ ngày 1 – 5/8 trên địa bàn các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đã làm 23 người chết, tăng 5 người so với báo cáo nhanh ngày 4/8, trong đó tìm được thi thể của 3 người mất tích. Cụ thể, Yên Bái 4 người, tăng 1 người; Sơn La 12 người, tăng 2 người; Lai Châu 2 người, Điện Biên 5 người, tăng 2 người; 16 người mất tích (Yên Bái 10 người, Sơn La 5 người, Lai Châu 1 người); 21 người bị thương (Yên Bái 9 người, Sơn La 12 người).

Về nhà ở, 228 nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn (Yên Bái 51 nhà, Sơn La 177 nhà); 326 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở (Yên Bái 6 nhà, Sơn La 198 nhà, Điện Biên 7 nhà, Bắc Kạn 65 nhà, Cao Bằng 42 nhà, Lào Cai 8 nhà); 377 hộ phải sơ tán, di dời (Lai Châu 32 hộ, Điện Biên 10 hộ, Yên Bái 48 hộ, Sơn La 287 hộ). Về nông nghiệp, 266,6ha lúa bị cuốn trôi, vùi lấp do sạt lở, tăng 40,6ha so với báo cáo nhanh ngày 4/8.

Về giao thông, sạt lở 23.141m3 đường quốc lộ (Điện Biên: 13.442m3 trên QL 12, QL 279B, QL 279C, QL 4H; Yên Bái 7.314m3 trên QL32; Sơn La 2.385m3). Các điểm sạt lở trên Quốc lộ 32 tỉnh Yên Bái gây tắc đường hiện đã thông tuyến. Sạt lở 66.136m3 đường tỉnh và huyện, trong đó Lai Châu sạt lở 9.000m3 trên một số tuyến đường giao thông huyện Nậm Nhùn, Mường Tè; Điện Biên 14.636m3 trên ĐT150, ĐT142, ĐT143; Yên Bái 42.500m3 đường tỉnh lộ bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Về thủy lợi, 144 công trình thủy lợi (Yên Bái 141 công trình, Sơn La 3 công trình); 2.000m kè bờ suối thuộc huyện Mường La, tỉnh Sơn La bị thiệt hại.

Nhằm thực hiện công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai đề nghị các địa phương chịu ảnh hưởng mưa lũ tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm người mất tích; cứu chữa người bị thương, tổ chức thăm hỏi động viên những gia đình có người thiệt mạng; giúp dân sửa chữa lại nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu, phục hồi sản xuất và đời sống của người dân.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, tiếp tục triển khai quyết liệt công tác truyền thông, cảnh báo mưa, lũ; rà soát các khu vực ven sông, ven suối, khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét; kiên quyết di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Tiếp tục huy động lực lượng để khắc phục giao thông, nhất là các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện và các khu vực bị cô lập, chia cắt. Kiểm tra các hồ chứa nước, nhất là các hồ xung yếu, các hồ đã đầy nước hoặc gần đầy nước, các hồ chứa nước nhỏ do địa phương quản lý, xử lý kịp thời các sự cố, chủ động tiêu nước thoát lũ để đảm bảo an toàn các hồ chứa./.

ĐCSVN

0 Bình luận

Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.

Gửi bình luận

 


 
*