Khai mạc Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ 5

Diễn đàn Biển lần này hướng đến 2 mục tiêu: Tăng cường hợp tác biển thông qua đối thoại và tham vấn một cách xây dựng; tăng cường vai trò của Diễn đàn đối với hòa bình và an ninh, an toàn biển và tự do hàng hải trong khu vực.
Ảnh: VGP/Thế Phong

Sáng 27/8, Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ 5 (AMF-5) đã khai mạc tại thành phố Đà Nẵng.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Vũ Tú, Vụ trưởng, Phó Trưởng SOM ASEAN-Việt Nam (Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao) nhấn mạnh, ngày nay hợp tác biển là một trong những lĩnh vực ưu tiên của các nước ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác, nhất là trong bối cảnh tình hình ngày càng phức tạp, khó đoán định, đặc biệt là những diễn biến gần đây trên Biển Đông.

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Biển ASEAN ngày càng có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin trong lĩnh vực hợp tác biển cũng như an ninh biển.

Tiếp nối những thành công của 4 Diễn đàn Biển ASEAN trước, Việt Nam đăng cai tổ chức các Diễn đàn Biển ASEAN và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 3 (EAMF-3), nhằm thể hiện vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của Việt Nam đối với lĩnh vực hợp tác và ưu tiên của ASEAN về hợp tác biển và bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.

Diễn đàn Biển lần thứ 5 hướng đến 2 mục tiêu: Tăng cường hợp tác biển thông qua việc đối thoại và tham vấn một cách xây dựng; tăng cường vai trò cũng như đóng góp của Diễn đàn đối với hòa bình và an ninh, an toàn biển và tự do hàng hải trong khu vực.

Bên cạnh kiểm điểm lại các công việc đã làm, các đại biểu tập trung thảo luận việc thúc đẩy hợp tác biển trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tại, đặc biệt là kinh nghiệm từ cơn bão Hải Yến; quản lý và bảo vệ hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, trong đó có việc thúc đẩy hợp tác nghề cá bình đẳng; những diễn biến hiện nay liên quan đến an ninh hàng hải ở Biển Đông.

Cũng trong ngày 28/8, tại thành phố Đà Nẵng sẽ diễn ra Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 3, với sự tham dự của 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nga và Hoa Kỳ.

Nguồn Chính phủ