Khai hội chùa Keo Thái Bình

Sáng nay (10-10), hàng nghìn du khách thập phương đã tham dự khai mạc Lễ hội chùa Keo năm 2016 do UBND huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) tổ chức. Đây là lễ hội bảo lưu gần như nguyên vẹn nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian, mang đậm giá trị của cư dân trồng lúa nước châu thổ sông Hồng.

Khai hội chùa Keo năm 2016.

Chùa Keo tên chữ là Thần Quang Tự, nằm trên địa phận xã Duy Nhất (Vũ Thư, Thái Bình) là nơi thờ Phật và đền Thánh thờ Đức Thánh Dương Không Lộ, vị đại sư thời Lý có công dựng chùa. Chùa được công nhận Di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia năm 1962. Năm 2012, được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và năm 2013 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là điểm du lịch Quốc gia.

Ngôi chùa cổ này được xây dựng năm 1061 thời vua Lý Thánh Tông với tên chữ là chùa Nghiêm Quang. Năm 1611, chùa bị đổ do sông Hồng sạt lở, mãi đến năm 1632 chùa mới được dựng lại như ngày nay. Trải qua gần 400 năm tồn tại, qua nhiều lần tu bổ, chùa Keo vẫn giữ được kiến trúc độc đáo từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17).

Hiện nay, toàn bộ kiến trúc chùa Keo có 17 công trình với 128 gian phân bố trên diện tích hơn 2.000 m2 như tam quan, chùa Phật, điện Thánh, gác chuông, khu tăng xá, vườn tháp… Đáng chú ý, chùa Keo còn giữ nguyên vẹn được bộ cánh cửa ở tam quan nội, một kiệt tác chạm khắc gỗ thế kỷ 17; các pho tượng Phật Quan âm quá hải, tượng Khuyến thiện, tượng Tuyết sơn… có từ thế kỷ 17, 18.

Điểm nhấn của Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo phải kể đến gác chuông, với chất liệu gỗ dựng theo kiểu chồng diêm ba tầng, 12 mái với kết cấu gần 100 đầu voi, tạo vẻ trầm mặc, thâm nghiêm. Đây cũng là biểu tượng văn hóa, tâm linh của tỉnh Thái Bình.

Chùa Keo một năm tổ chức hai lễ hội: Lễ hội mùa xuân (mồng 4 Tết âm lịch) và Lễ hội mùa thu (tháng 9 âm lịch). Lễ hội mùa thu là lễ hội chính do địa phương tổ chức thu hút đông đảo tín đồ, phật tử, du khách mọi miền về vãn cảnh chùa, lễ Phật Thánh…

Lễ hội chùa Keo tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm ngày sinh Đức Thánh Dương Không Lộ, diễn ra trong sáu ngày (từ nay đến ngày 15-10), với các hoạt động đặc sắc như lễ khai chỉ (mở cửa đền Thánh), tế lễ Phật Thánh, du thuyền hát giao duyên, thi têm trầu cánh phượng, thi hát văn, thi leo cầu ngô, bắt vịt…

Nguồn Nhân dân