Katê – Tết của người Chăm

Lễ hội Katê (còn được gọi là Tết của người Chăm) là một trong những sinh hoạt văn hoá đặc trưng, phản ánh đậm nét đời sống, tinh thần của một bộ phận trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Lễ hội được đồng bào Chăm trân trọng, gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ, vừa là nghi lễ có tính chất tâm linh vừa có tính thực tiễn trong đời sống. Cũng như phần lớn các lễ hội truyền thống khác, lễ hội Katê gồm phần Lễ với những nghi thức hành lễ truyền thống tôn nghiêm, đậm sắc màu tín ngưỡng và phần Hội với các tiết mục ca, múa, nhạc dân gian truyền thống hết sức độc đáo. Katê được tổ chức trong 3 ngày nhưng thực tế nó thường kéo dài cả tuần lễ để bà con người Chăm vui chơi giải trí và biểu đạt những ước nguyện trong sáng của mình trước năm mới.

Đồng bào dân tộc Chăm (tỉnh Ninh Thuận), chuẩn bị cho lễ hội một cách chu đáo và thành tâm nhất.

Lễ hội Katê là dịp để người Chăm tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên và các vị vua – thần Chăm Pa, đồng thời cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình êm ấm.

Các nghi lễ chính của lễ hội gồm: Lễ rước y trang của nữ thần xứ sở Po Ina Nagar (vào ngày thứ nhất); Đại lễ với các nghi thức, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc y phục cho tượng thần tại Tháp cả (vào ngày thứ 2); Ngày thứ ba, Lễ hội diễn ra tại các làng Chăm.

Chủ lễ (sư cả) – người có sự am hiểu sâu sắc những nghi lễ của người Chăm sẽ đóng vai trò tổ chức, dẫn dắt, tế lễ trong Lễ hội.

những lời ca, điệu múa uyển chuyển trong tiếng trống Ghi năng thôi thúc, hòa
tiếng kèn Saranai da diết
 làm cho Hội Katê thêm phần náo nhiệt
.

Katê diễn ra chính thức trong một ngày nhằm vào ngày mồng một tháng bảy lịch Chăm (gọi là lễ chính) tại đền, tháp Chăm.

Phần Lễ nhất thiết phải tổ chức tại Tháp cả.

Tại đây, vị sư cả sẽ làm lễ mở cửa tháp, chủ trì nghi lễ tắm và mặc y trang cho nhà vua – một nghi lễ quan trọng trong Lễ hội Katê.

Trong không gian của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Lễ hội Katê được tái hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu văn hoá giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nguồn ĐCSVN