Huyết áp thấp có nguy hiểm?

Chúng ta thường nghe nói đến sự nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp, vậy còn bệnh huyết áp thấp có thực sự nguy hiểm không?

1

Theo GS. TS. Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch học Quốc gia Việt Nam, một người từ lâu có trị số huyết áp là 90/50 mmHg hoặc 100/60 mmHg, mà vẫn làm việc, sinh hoạt bình thường thì không có gì nguy hiểm.

Ngược lại, một người từ lâu có trị số huyết áp là 130/80 mmHg, nay đột nhiên huyết áp hạ xuống còn 90/50 mmHg, thì nên đến một trung tâm y tế gần nhất để khám lại hoặc hỏi ý kiến bác sĩ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, huyết áp bình thường đo ở cánh tay là 120/80 mmHg. Đây là huyết áp trung bình bình thường đối với người lớn. Huyết áp có đặc điểm là thay đổi theo thời gian, trạng thái tâm sinh lý và nhiều yếu tố khác.

Đối với bệnh tăng huyết áp thì phải nhận biết như thế nào?

Theo GS. TS. Phạm Gia Khải, đặc điểm của huyết áp là có sự biến thiên khá lớn trong ngày và giữa các ngày. Do đó, chẩn đoán tăng huyết áp phải dựa vào nhiều lần đo tại các thời điểm khác nhau.

Tất cả những người trưởng thành phải được đo huyết áp một cách thường quy ít nhất 5 năm một lần cho đến 80 tuổi. Người có mức huyết áp bình thường cao nên kiểm tra huyết áp mỗi năm 1 lần.

Kiểm tra huyết áp ngay khi có một trong các dấu hiệu sau: Nhức đầu (thường là sau gáy), xây xẩm, hồi hộp, mờ mắt, bất lực (nam giới), dễ mệt, dễ toát mồ hôi, yếu nửa người hay một chi, đau ngực, khó thở, tiểu nhiều, tăng cân, dễ xúc động.

Huyết áp có thể được đo bởi bác sĩ hoặc y tá tại phòng khám, bởi bệnh nhân tại nhà, hoặc bằng máy đo tự động 24 giờ (Holter huyết áp).

Nguồn Vnmedia