Hội thảo công nghệ thúc đẩy tái cấu trúc sản phẩm nông nghiệp và phát triển sản phẩm chủ lực ĐBSCL

(THTG) Nằm trong hoạt động hội nghị giao ban khoa học công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ 15 diễn ra tại tỉnh Tiền Giang, chiều 26/7, Bộ Khoa học Công nghệ (KH-CN) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Công nghệ thúc đẩy tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp và phát triển sản phẩm chủ lực ĐBSCL”. Chủ trì hội thảo có Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh. Tham dự hội thảo có lãnh đạo các tỉnh thành ĐBSCL, đặc biệt là các doanh nghiệp chủ đạo trong tiêu thụ sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL.

Still0726_00003 Still0726_00002

Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Liêm

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Lê văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền  Giang nêu lên những kết quả về lĩnh vực KH-CN của tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua, đồng thời khẳng định vai trò của KH-CN trong sự phát triển của tỉnh. Cùng với sự phát triển của KH-CN khu vực ĐBSCL và cả nước, tỉnh Tiền Giang ngày càng chú trọng đến lĩnh vực KH-CN nói chung và sáng tạo khoa học kỹ thuật trong các ngành, các lĩnh vực, các tầng lớp nhân dân nói riêng. Chủ trương của tỉnh Tiền Giang về đào tạo phát triển tri thức KH-CN, phát triển doanh nghiệp gắn với sản phẩm chủ lực, xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất tiêu thụ… Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, việc tổ chức hội thảo với những nội dung tháo gỡ những khó khăn trong phát triển sản phẩm chủ lực của Tiền Giang nói riêng, vùng ĐBSCL và cả nước nói chung là rất cần thiết, nhằm gia tăng hàm lượng công nghệ vào các sản phẩm chủ lực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.

Theo PGS TS Nguyễn Văn Sánh – Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, trong đề dẫn KH-CN thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu đã nêu lên các từ khóa, nhằm định hướng các địa phương phát triển KH-CN gắn với sản phẩm chủ lực của vùng hiện nay. Đó là thách thức, phát triển bền vững, khoa học liên ngành và công nghiệp 4.0.

Still0726_00004 Still0726_00005 Still0726_00006

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học. Ảnh: Trần Liêm

Trong phân tích của các nhà khoa học phát triển vùng ĐBSCL, nhất là tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay phải đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Bốn nội dung kiến nghị Bộ KH-CN và Chính phủ, các nhà khoa học Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL kiến nghị là: thành lập mạng lưới và liên kết KH-CN liên ngành. Cùng với đó là phát triển nông nghiệp thông minh kết hợp ứng dụng công nghệ 4.0, điều này không chỉ phát triển sản phẩm chủ lực vùng, mà còn đóng góp tích cực tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL. Mấu chốt quan trọng là thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và tiếp cận TPP, nâng cao chuỗi giá trị và lồng ghép tham gia cộng đồng qua phát triển HTX.

Tại hội thảo, tỉnh Tiền Giang tham gia trao đổi các tham luận về trái sầu riêng lợi ích từ giá trị, dinh dưỡng đến sản xuất nông nghiệp; giải pháp để người tiêu dùng tại tỉnh Tiền Giang có thể tiếp cận với rau an toàn. Vai trò của KH-CN trong tái cấu trúc và phát triển bền vững chăn nuôi tỉnh Tiền Giang. Tham gia chuỗi giá trị nông sản đem lại lợi thế cạnh tranh nâng cao giá trị gia tăng theo hướng phát triển bền vững.

Ngoài ra, bên lề hội thảo còn có hoạt động trưng bày sản phẩm chủ lực phát triển công nghệ đã thu hút đại biểu và các doanh nghiệp tham gia.

Thanh Thảo