Hội nghị tổng kết dự án hỗ trợ xuất khẩu trái cây tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long – mô hình thí điểm tại Tiền Giang

         ( THTG) Sáng ngày 9/5, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị tổng kết dự án hỗ trợ xuất khẩu trái cây tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long – mô hình thí điểm tại Tiền Giang.

Đến dự có ông Nguyễn Văn Khang – Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang.

Thực hiện dự án hỗ trợ xuất khẩu trái cây tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, mô hình thí điểm tại Tiền Giang, tỉnh đã tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về chuỗi giá trị cho các bên có liên quan, tiến hành phân tích chuỗi giá trị thanh long trên địa bàn huyện Chợ Gạo; Tổ chức tọa đàm tập huấn về chuỗi giá trị, về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật đối với sản phẩm thanh long cho các hộ trồng, thương lái, chủ vựa và các đơn vị có liên quan.

                          

Tính đến cuối năm 2012, diện tích vườn cây ăn trái của tỉnh đạt trên 67.000 ha, sản lượng trên 1 triệu tấn/năm. Trong đó, diện tích thanh long hơn 2.000 ha với sản lượng trên 35.000 tấn. Các hoạt động của dự án đã có những tác động tích cực đến việc phát triển thanh long nói riêng, cây ăn trái nói chung của tỉnh. Dự án đã tăng cường liên kết sản xuất, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, sử dụng phân hữu cơ, sinh học để gia tăng năng suất và nâng cao chất lượng bảo quản; đồng thời áp dụng các giải pháp bảo vệ môi trường để sản xuất theo các tiêu chí liên quan đến rào cản kỹ thuật và an toàn thực phẩm, dần tiến đến áp dụng tiêu chuẩn GAP trong sản xuất cây ăn trái cũng như những mặc hàng nông sản khác.

                           

Tại hội nghị, ông Đặng Thanh Liêm – Giám đốc sở Công thương Tiền Giang đã báo cáo về kết quả phân tích chuỗi giá trị thanh long trên địa bàn huyện Chợ Gạo. Qua kết quả phân tích cho thấy, dù có sự phát triển mạnh về sản xuất nhưng sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi chưa mạnh. Nhìn chung sự liên kết giữa công ty xuất khẩu và người sản xuất còn rất yếu. Công ty xuất khẩu chưa xây dựng được vùng nguyên liệu cho mình mà chủ yếu thu mua thông qua trung gian. Hiện nay, vai trò của thương lái và công ty xuất khẩu ở Tiền Giang đều quan trọng trong việc tiêu thụ sản phấm, nhưng thiếu hẳn vai trò lãnh đạo trong chuỗi của “Công ty đầu tàu”. Trong chiến lược của mình, Tiền Giang đang đẩy mạnh vai trò của các công ty xuất khẩu của địa phương nhằm thúc đẩy vai trò xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Khang khẳng định lợi ích kinh tế của các tác nhân trong thực hiện chuỗi giá trị, đồng thời ông đưa ra một số kiến nghị với các bộ ngành trung ương trong việc phát triển trái cây tỉnh của tỉnh


Thực tế qua các hoạt động trong thời gian thực hiện dự án, tỉnh đã rút ra được các kinh nghiệm đưa đến những kết quả đạt được. Trên cơ sở đó, để dự án tiếp tục được thực hiện đạt kết quả cao hơn, cần phải thực hiện đồng bộ 6 giải pháp tập trung, đó là tăng cường mối liên kết ngang giữa các hộ trồng thanh long, hỗ trợ kết nối và phát triển liên kết dọc giữa doanh nghiệp đầu tàu với các tổ nhóm của người trồng thanh long. Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và nông dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường phát triển các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và các tác nhân trong chuỗi như chia sẻ thông tin và đối thoại chính sách giữa các tác nhân trong chuỗi thanh long với chính quyền và sở, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn; tăng cường hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất, vận chuyển và chế biến thanh long theo quy hoạch phát triển của tỉnh.