Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN: Tìm đối sách chống khủng bố

Ngày 23-10, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) lần thứ 11 diễn ra tại Philippines bắt đầu thảo luận các nội dung trọng tâm về thách thức an ninh trong khu vực, bao gồm khủng bố, buôn bán ma túy và xung đột hàng hải với chủ đề “Chung tay để thay đổi, hội nhập cùng thế giới”.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam (thứ 2 từ phải qua)  và các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại hội nghị

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam (thứ 2 từ phải qua) và các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại hội nghị

Thúc đẩy hợp tác hiệu quả
Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu tham dự ADMM 11. Tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, Philippines sẽ đề xuất một số sáng kiến, bao gồm chương trình làm việc kéo dài 3 năm tập trung vào các mục tiêu hợp lý hóa, điều phối và chuẩn hóa các nỗ lực của ADMM.
ADMM 11 cũng thảo luận về những biện pháp thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau thông qua nhận thức chung về thách thức quốc phòng và an ninh, nâng cao tính minh bạch và cởi mở giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN. Các bộ trưởng sẽ vạch ra kế sách của khối phản ứng trước các mối đe dọa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đặc biệt trong bối cảnh các chiến binh IS có thể quay sang châu Á để tuyển mộ và tấn công khủng bố sau thất bại ở Trung Đông. Theo báo Straits Times, cuộc họp diễn ra vào thời điểm lực lượng an ninh Philippines vừa chấm dứt chiến dịch cam go tại TP Marawi. Các chuyên gia chống khủng bố cảnh báo rằng, các thành phố lớn ở châu Á đang đối mặt trước mối đe dọa từ IS. Nhóm này có thể chuyển sang hình thức tấn công du kích sau thất bại thảm hại ở Syria và Iraq, cũng như tại Philippines.
Đầu năm nay, ngoại trưởng các nước ASEAN đã nhất trí thông qua nhiều biện pháp để ngăn “dòng chảy” các chiến binh khủng bố lan tỏa khắp khu vực Đông Nam Á, cũng như cắt đứt các kênh cung cấp tài chính cho khủng bố.
Tăng tin cậy lẫn nhau
Bên cạnh việc trao đổi về tình hình an ninh, quốc phòng khu vực và quốc tế, các đại biểu nhất trí tăng cường hợp tác xử lý các thách thức khác ở khu vực như thảm họa thiên tai, khủng bố, các vấn đề liên quan an ninh biển và an toàn tự do hàng hải, hàng không. Hội nghị cũng nhất trí công nhận vai trò của các tổ chức quốc phòng trong giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN với tư cách là động lực chính trong cấu trúc an ninh khu vực đang phát triển.
 Liên quan đến an ninh biển, các đại biểu khẳng định cam kết của tất cả các bên trong thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Bộ Nguyên tắc sáu điểm ở biển Đông của ASEAN và nhắc lại tầm quan trọng của việc sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Tại hội nghị, các đại biểu đã lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công của những kẻ cực đoan bạo lực trên toàn thế giới, nhất là tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời tái khẳng định cam kết cùng nhau chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực dưới mọi hình thức.
Cùng ngày, trưởng đoàn các nước đã ký Tuyên bố chung của ADMM 11 về “Chung tay để thay đổi, hội nhập cùng thế giới”. Tuyên bố chung tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông, cũng như nhu cầu tăng cường lòng tin. Thực hiện kiềm chế trong các hoạt động, tránh các hành động có thể gây phức tạp tình hình. Theo đuổi các giải pháp giúp giải quyết tranh chấp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cũng như thực hiện đầy đủ DOC và hoan nghênh việc thông qua và chỉnh sửa bộ khung COC.
Trong khuôn khổ ADMM 11, chiều cùng ngày diễn ra các cuộc gặp không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với Bộ trưởng Quốc phòng các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Lào. Phát biểu tại các cuộc gặp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định, Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ các nước đối với vai trò trung tâm của ASEAN cũng như sự đóng góp tích cực của các nước trong xây dựng các cơ chế hợp tác quốc phòng do ASEAN đóng vai trò chủ đạo.
Nguồn SGGP