Hoạt động của các đơn vị nghệ thuật công lập thiếu bứt phá

Nhiều năm qua, các đơn vị nghệ thuật công lập trực thuộc sự quản lý của Sở VH-TT TPHCM hoạt động có phần kém sắc trong bức tranh tổng thể về đời sống văn hóa nghệ thuật của thành phố, thiếu sự bứt phá trong hoạt động chuyên môn. Nhiều đơn vị hoạt động cầm chừng, chỉ nhằm đáp ứng đủ chỉ tiêu phục vụ công tác chính trị, lễ tết, vùng sâu vùng xa mà Sở VH-TT giao.

Nhà hát Phương Nam: Sáp nhập và gồng nợ

Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen với dấu ấn chương trình Sen – một chương trình nghệ thuật hấp dẫn nhưng ít khi phục vụ khán giả.

Sau hơn một năm hoạt động, cả hai lĩnh vực nghệ thuật xiếc – rối của Nhà hát Phương Nam đều ở trong tình trạng eo sèo. Những năm trước, vào dịp tết, anh em diễn viên múa rối lại chia quân đi diễn ở các tỉnh theo hợp đồng, còn năm nay nhà hát không nhận được một “sô” diễn nào. Điểm diễn múa rối nước của nhà hát từng mở ở quận 2 không thể duy trì hoạt động; các chương trình xiếc cũng ở mức độ cầm chừng, liên kết tổ chức phục vụ theo vụ mùa. Nhà hát có cố gắng xây dựng vài chương trình nhưng chất lượng không cao. Chương trình ra mắt nhà hát “Sắc màu phương Nam” đầu tư cả tỷ đồng hiện thời đang xếp kho, chờ kế hoạch; vở xiếc kịch rối “Chú bé người gỗ Pinokio” dàn dựng thiếu sức hấp dẫn; hoạt động tổ chức biểu diễn còn rải rác, thiếu trọng tâm, chiều sâu…

Lý giải về tình hình của nhà hát, NSƯT Nguyễn Đức Thế – Giám đốc Nhà hát Phương Nam cho biết: “Sau hơn một năm hoạt động, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Trước tiên là giải quyết cho dứt điểm số nợ hàng trăm triệu đồng của đơn vị xiếc để lại cho Ban giám đốc mới, sắp xếp lại bộ máy nhân sự, tinh giản biên chế, duy trì tổ chức biểu diễn theo kế hoạch hàng năm… Nhà hát đang rất thiếu nguồn nhân lực giỏi, từ diễn viên, nghệ sĩ trẻ có tài, đến đội ngũ tác giả, đạo diễn có nghề. Rạp xiếc đang xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa nâng cấp… Chúng tôi hiện vẫn đang cố gắng trả món nợ 2,5 tỷ đồng của UBND TPHCM, tiếp đó mới đầu tư nhiều hơn cho chuyên môn: chuẩn bị chương trình múa rối nước để tham gia liên hoan toàn quốc, tham dự Liên hoan xiếc ba nước Đông Dương, đầu tư dàn dựng chương trình “Sông nước phương Nam” – công diễn vào năm 2016, lên kế hoạch phục hồi lại bộ môn xiếc thú, thiết kế chương trình rối nước phục vụ buổi tối với dàn nhạc sống ở điểm diễn Bảo tàng Lịch sử (quận 1). Ngoài ra, nhà hát cũng sẽ cử anh em đi học lớp đào tạo chuyên môn diễn viên múa rối ở Hà Nội, tổ chức mời thầy ở Hà Nội vào TPHCM để nâng cao tay nghề cho anh em. Chúng tôi hy vọng đến giữa tháng 6-2016 thì các hoạt động của nhà hát sẽ khá hơn”.

Cải lương: Thua trên sân nhà

TPHCM vốn là cái nôi của bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương với lực lượng nghệ sĩ hùng hậu. Tuy nhiên, nhiều năm qua, hoạt động tổ chức biểu diễn cải lương khá eo sèo, co cụm, manh mún. Mỗi năm, tại TPHCM dù vẫn có những chương trình sân khấu, liveshow cải lương của các nghệ sĩ tự đứng ra tổ chức hoặc phối hợp với một số đơn vị, trong đó có phối hợp với Nhà hát Trần Hữu Trang để tổ chức biểu diễn, nhưng không nhiều. Sân khấu cải lương chủ yếu vẫn hoạt động theo thời vụ, cầm chừng, lẻ tẻ, rời rạc. Các nghệ sĩ hiếm khi được cùng hội tụ trong những vở diễn trên một sân khấu, thân ai nấy lo, chủ yếu anh chị em chạy “sô” trong và ngoài nước để có nguồn chi phí trang trải cuộc sống, tham gia các chương trình truyền hình… Suy cho cùng, sự rời rạc của sân khấu cải lương một phần là do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, cơ chế thị trường và sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều loại hình giải trí, nhưng trên hết vẫn là thiếu một đơn vị – đoàn hát – nhà hát chịu đứng ra làm đầu tàu, kêu gọi anh em tập hợp, tổ chức các chương trình cải lương chất lượng, chính quy, bài bản. Và ở tâm thế của mình, đơn vị Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang phải chịu một phần trách nhiệm. Vì sau khi các đoàn hát tan rã, nhà hát – một đơn vị nghệ thuật có tổ chức, có pháp nhân, lại được sự hỗ trợ đầu tư của nhà nước, gần như là một đầu mối, điểm tựa để quy tụ anh em nghệ sĩ trong giới cùng về, cùng chung tay góp sức xây dựng các chương trình nghệ thuật chất lượng, duy trì và thúc đẩy hoạt động thường xuyên của sân khấu cải lương, nhưng nhà hát chưa làm được. Bên cạnh những khó khăn chủ quan lẫn khách quan, hoạt động của nhà hát cũng bị rơi vào tình trạng cố gắng làm cho tốt nhiệm vụ chính trị là chính. Còn khả năng sáng đèn hàng đêm, tạo nhiều điều kiện để anh em nghệ sĩ trẻ có đất diễn, nâng cao tay nghề, chuyên môn, phục hồi lại thói quen đến rạp xem cải lương của công chúng thành phố… hãy còn bị bỏ ngỏ. 

Tính chất chuyên nghiệp – yếu tố đánh giá chất lượng nhà hát

Có một thực tế là từ nhiều năm qua, các đơn vị nghệ thuật công lập chuyên nghiệp chỉ chủ yếu phục vụ chính trị là chính, lo hoàn thành tốt chỉ tiêu mà Sở VHTT giao phó hàng năm: phục vụ lễ tết, phục vụ vùng sâu vùng xa, quảng bá nghệ thuật chuyên nghiệp đến rộng rãi trong công chúng… còn yêu cầu phát triển nghệ thuật đi sâu về chuyên môn thật sự chưa được chú trọng.

Ngoại trừ đơn vị Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch TPHCM (HBSO) còn duy trì tổ chức được 3 chương trình nghệ thuật/tháng (2 chương trình bán vé, một chương trình miễn phí dành cho giới trẻ, sinh viên học sinh), thì các đơn vị khác lâu lâu mới làm một chương trình, ra mắt một vở diễn… NSƯT Trần Vương Thạch – Giám đốc HBSO chia sẻ: “Từ lâu tôi đã tâm tư với vấn đề này. Để hoạt động các đơn vị nghệ thuật công lập có hiệu quả, nhất thiết phải đạt được sự đồng điệu, nhịp nhàng từ hai phía: các đơn vị nghệ thuật phải hoạt động đúng cách, đúng phương pháp, tiêu chí, mục tiêu, sở trường, bên cạnh là sự hỗ trợ từ đơn vị chủ quản chính là Sở VHTT, nhưng sự hỗ trợ ấy cũng phải thiết thực, đúng lúc, đúng chỗ, mang tính lâu dài, chứ đừng chạy theo sự việc, sự vụ, liên hoan, thi thố, trong khi việc đầu tư lâu dài lại thiếu tính toán, kể cả trong công tác đào tạo…”

Với những tồn tại, hiệu quả chưa cao, tính chuyên nghiệp chưa sâu, nếu các nhà hát không tự thay đổi sách lược, chiến lược hoạt động, tổ chức biểu diễn, đào tạo đội ngũ kế thừa, thì tình trạng mất cân bằng và lệch lạc trong sự phát triển chung của văn hóa nghệ thuật tại TPHCM là không thể tránh khỏi, khó thoát ra và thay đổi theo hướng tích cực. Để thúc đẩy sự phát triển của các đơn vị nghệ thuật công lập chuyên nghiệp, nhất thiết phải có những giải pháp đủ, đúng cho các đơn vị và sự quan tâm sâu sát hơn từ phía cơ quan quản lý văn hóa, nhằm giúp cho hoạt động chuyên môn, chuyên sâu của từng nhà hát đạt được hiệu quả tốt hơn, để những khoảng chi hàng tỷ đồng/năm cho các đơn vị nghệ thuật công lập trong công tác nuôi quân, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật đạt được hiệu quả, chất lượng, góp phần làm tỏa sáng những tài năng nghệ thuật trẻ, vinh danh và quảng bá sâu, rộng các giá trị văn hóa nghệ thuật vốn có…

 Thời gian qua, chúng ta đã không tập trung phát huy sở trường, đặc trưng, đặc thù loại hình nghệ thuật của nhà hát mình, lại bị lẫn lộn giữa quan niệm thị trường nghệ thuật và nhu cầu biểu diễn, chưa phân biệt rõ hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp và hoạt động văn hóa nghệ thuật cộng đồng, quần chúng – hai tính cách hoạt động này hoàn toàn khác nhau nên chất chuyên nghiệp nhạt nhòa dần. Và đến thời điểm này, nếu các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập cứ ỷ y trông chờ vào bao cấp, trông vào kinh phí của nhà nước, chờ đợi yêu cầu của nhà nước để làm chương trình biểu diễn phục vụ vùng sâu vùng xa thì cuối cùng các chương trình đi diễn ở đây ở đó chỉ mang tính phổ cập, không phải chương trình mang tính nghệ thuật, chuyên nghiệp, có chiều sâu của từng đơn vị. Phương sách đầu tư hỗ trợ về văn hóa nghệ thuật của nhà nước hiện nay cũng chưa được phân biệt và chú trọng đầu tư có trọng điểm từ cơ sở vật chất đến đào tạo nhân lực – việc tối cần thiết, thế nên rất cần phải có sự nghiên cứu lại để có phương sách phù hợp”.

NSƯT Trần Vương ThạchGiám đốc HBSO

Nguồn SGGP Online