Hoàng thành Thăng Long sẽ là Công viên văn hóa lịch sử

Sáng 19-4, tại Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, UBND thành phố Hà Nội phối hợp Bộ Xây dựng công bố Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội (tỷ lệ 1/500). Theo quy hoạch, đây sẽ là khu Công viên văn hóa, lịch sử Thăng Long – Hà Nội.


Bàn giao tài liệu về Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.

Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội có lịch sử khoảng 13 thế kỷ, là trung tâm đầu não chính trị trải qua nhiều vương triều: Lý, Trần, Lê, Mạc. Những kiến trúc cũng như những phế tích tìm được tại đây cho thấy sự phát triển của đất nước Việt Nam và Thăng Long – Hà Nội nói chung qua các thời kỳ. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di tích quốc gia đặc biệt đồng thời là Di sản văn hóa thế giới với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nổi bật toàn cầu.

Năm 2015, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có quyết định phê duyệt và quyết định phê duyệt điều chỉnh bổ sung đồ án Quy hoạch chi tiết Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội (tỷ lệ 1/500).

Tổng diện tích quy hoạch gồm hơn 183 nghìn m2. Đồ án quy hoạch có ba nội dung: Đồ án quy hoạch, đề án bảo tồn và quy chế quản lý đầu tư xây dựng. Mục tiêu được đặt ra là nhằm bảo tồn, tôn tạo, khai thác phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục cộng đồng, du khách tham quan, du lịch, nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn phát huy. Đồng thời xây dựng không gian văn hóa cộng đồng hài hòa về cảnh quan kiến trúc, bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật trong tổng thể khu Trung tâm chính trị Ba Đình.

Phần đồ án quy hoạch nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả, vì trong khu vực Hoàng thành hiện nay có nhiều di tích, nhiều công trình xây dựng qua các thời kỳ. Theo đồ án này, không gian bảo tồn gồm hai khu vực là Khu vực Thành cổ và Khu Khảo cổ.

Trong đó, Khu thành cổ sẽ kéo dài từ khu vực Kỳ đài (phố Điện Biên Phủ) cho đến tận Bắc Môn (phố Phan Đình Phùng). Những tòa nhà xây dựng mới, ít quan trọng sẽ được tháo dỡ, hoặc di dời. Phần ưu tiên giữ lại gồm: Kỳ đài, Đoan Môn, khu vực điện Kính Thiên (nơi thiết triều thời Lê), nhà và hầm D67 (Di tích Cách mạng, kháng chiến), Hậu Lâu, Bắc Môn. Quảng trường trước Đoan Môn sẽ trở thành nơi tổ chức các sự kiện văn hóa ý nghĩa. Riêng dãy nhà từng là nơi làm việc của Cục Tác chiến hiện án ngữ trước điện Kính Thiên sẽ được di dời sang phía tây. Những dãy nhà gần khu vực Bắc Môn sẽ được giữ lại một số dãy phù hợp để làm Bảo tàng và khu làm việc cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội. Dự kiến, thành phố Hà Nội sẽ khôi phục điện Kính Thiên khi đủ cơ sở khoa học.

Khu vực Khảo cổ số 18 phố Hoàng Diệu sẽ được triển khai các phương án bảo vệ và trưng bày các hiện vật khảo cổ đã phát lộ.

Ngoài ra, Quy hoạch cũng đưa ra định hướng nghiên cứu khảo cổ phục vụ công tác nghiên cứu sau này. Với mục tiêu trở thành khu Công viên văn hóa lịch sử Thăng Long – Hà Nội, Quy hoạch cũng đề xuất việc sử dụng đất hợp lý, với mật độ xây dựng công trình là 15,13%.

Tại Lễ công bố Bộ Xây dựng đã bàn giao cho UBND TP Hà Nội toàn bộ tài liệu về Quy hoạch để UBND TP Hà Nội triển khai. Quy hoạch được triển khai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, quy hoạch, kiến trúc đô thị đặc sắc của dân tộc.

Nguồn Nhân Dân Online