Hình ảnh Hà Nội cổ xưa qua bộ sách “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX”

Một bộ sáu quyển sách về các khu vực của thành phố Hà Nội, theo quy hoạch kiến trúc thời Pháp, với đầy đủ thông tin về địa lý, dân cư, tên phố, các đơn vị hành chính…., ít ai ngờ được lại là tác phẩm của một nhà giáo về hưu. Đó là bộ sách “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” của nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn, do Nhã Nam tái bản trong tháng 10, gồm hai cuốn dày.

Nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn (1912-1991) vốn gốc là người Hải Dương, học trường Bưởi. Theo như lời nhà giáo Nguyễn Cao Đức, con trai của ông, thì nhà giáo Nguyễn Văn Uẩn vốn là người đam mê lịch sử và dành mối quan tâm đặc biệt đến lịch sử Hà Nội. Ông từng thực hiện các công trình nghiên cứu độc lập và tham gia biên soạn những giáo trình lịch sử lớn như “Lịch sử Việt Nam sơ khảo” (1946), “Việt cương sử yếu” (1948), “Lịch sử thủ đô Hà Nội” (1962) và “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” (1995). Bộ “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” đã được trao tặng Giải thưởng Thăng Long 1996.

Nhà giáo Nguyễn Cao Đức cho biết, trong suốt thời gian còn làm việc, ông Nguyễn Văn Uẩn say mê tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, tư liệu sử cũ. Ông còn bỏ công sức ra đi tìm, phỏng vấn hàng trăm cụ cao tuổi – những kho tư liệu sống về Hà Nội cổ. Nguồn sách mà ông dày công nghiên cứu chủ yếu từ các thư viện, các cuộc giao lưu, trao đổi sách lịch sử trong nam, ngoài bắc, đến mức sách gối đầu giường của ông cũng luôn là sách lịch sử.

Bộ sách “Hà Nội đầu thế kỷ 20”.

Không sinh ra ở Hà Nội nhưng Nguyễn Văn Uẩn lại gắn bó và có tình cảm đặc biệt với mảnh đất này và luôn ấp ủ dự định sẽ xây dựng một bộ sử – địa lý về Hà Nội. Những ý tưởng, thông tin có được về Hà Nội đã được ông ghi đầy những cuốn vở học sinh. Cho đến năm 1975, khi về hưu, nhà giáo Nguyễn Văn Uẩn mới có thời gian thực hiện những mong muốn của mình.

Ông đã tìm gặp nhiều cụ cao niên sống lâu năm ở Hà Nội hỏi han, phỏng vấn và kiểm chứng lại những thông tin đó. Những tư liệu được kiểm chứng, ông chọn lựa để đưa vào sách, còn lại thì lưu lại dùng sau. Đến năm 1982, ông bắt tay vào viết, và viết liên tục, như lời nhà giáo Nguyễn Cao Đức, con trai ông mô tả thì “ông ngồi lì ở bàn giấy, viết với một chiếc quạt nan phe phẩy trong tay”. Đến năm 1985, bộ sách hoàn thành, và tác giả qua đời vào năm 1991, khi bộ sách chưa kịp xuất bản.

Hà Nội trong bộ sách là một Hà Nội của thời kỳ Pháp thuộc, “thay đổi rất nhanh đến mức không nhận ra được, lớp này chồng lên lớp kia”, như lời nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nói. “Tác giả không hẳn là một nhà kiến trúc, cách viết mang tính chất một nhà giáo, một người yêu Hà Nội, viết với con mắt của một người cổ và phát triển Hà Nội theo định hướng kiến trúc của mình”.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhận xét: “Đọc sách, người Hà Nội bây giờ có thể biết được các đường phố được người Pháp đặt tên như thế nào, các ngôi làng trong lòng Hà Nội đã thay đổi như thế nào, hiện nay là nơi nào. Con đường Tràng Tiền chạy thẳng từ Nhà hát Lớn ra Ba Đình, chia Hà Nội ra làm bốn phần, biết được cách người Pháp quy hoạch như thế nào để giữ được khu phố cổ”.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nói: “Nhiều thông tin thú vị được chia sẻ qua bộ sách, chúng ta biết được công viên Thống Nhất trước đây là bãi rác của Hà Nội, sau này được thành phố cải tạo lại thành nơi vui chơi. Còn những mốc kiến trúc xác định không gian của Hà Nội bao gồm Nhà hát Lớn, tòa nhà Viễn Đông Bác Cổ, ga Hàng Cỏ, trụ sở Tòa án…, người Pháp đã biến Hà Nội thành một thành phố có kiến trúc châu Âu với bảy phong cách kiến trúc”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến nói: “Tôi đọc bộ sách vì hai lý do: muốn biết Hà Nội như thế nào qua con mắt của một nhà giáo yêu lịch sử và vì tôi phải viết đôi lời về bộ sách. Đọc sách của cụ Uẩn, tôi được biết biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa xưa do ai xây, vào năm nào và đến nay vẫn còn một số biển của người Pháp đóng vào tường tại căn biệt thự này… Những thông tin thu được từ bộ sách là rất cụ thể và gắn với cuộc sống của Hà Nội. Tác giả đã viết sách, tham khảo tư liệu với một tinh thần dân tộc mạch lạc, rõ ràng”.

Nhà văn nhận xét: “Dù rằng Hà Nội bay giờ không như xưa, nhưng những thông tin về Hà Nội trong bộ sách khá tốt, đủ cho người đọc hình dung Hà Nội xưa như thế nào, và cái gốc của Hà Nội, dù qua bao thay đổi, cũng vẫn còn.

Nhiều câu chuyện thú vị liên quan đến bộ sách cũng được kể ra. Chẳng hạn, một bạn đọc đã kể câu chuyện về vụ kiện cô Đốc Sao liên quan đến căn nhà của gia đình anh ở số 292 phố Huế. Hay một bạn đọc khác chia sẻ về những cái tên của phố Hàng Bông ngày nay vốn là Hàng Bông Đệm, Hàng Hài, Bông Cửa Quyền (vì có đền thờ cô Quyền) và Hàng Bông Lờ.

Một bộ sách do một nhà giáo viết ra, hoàn toàn với sự nhiệt tình và tình yêu Hà Nội, nhưng lại có giá trị khảo cứu vô cùng lớn, là một trong những món quà ý nghĩa nhất đối với bạn đọc đúng dịp kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 – 10-10-2016).

Nguồn Nhân dân