Hiệu quả từ mô hình cánh đồng lớn ở Cái Bè

(THTG)Nhằm từng bước đưa nền nông nghiệp huyện phát triển theo hướng sản xuất hiện đại và bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân, trong thời gian qua, huyện Cái Bè đã xây dựng mô hình cánh đồng lớn, với sự tham gia liên kết 4 nhà, đã cho kết quả rất khả quan, chủ yếu tập trung ở các xã xã Hậu Mỹ Bắc B, Hậu Mỹ Bắc A, Mỹ Hội và Mỹ Lợi B.

Mô hình “Cánh đồng lớn” đã giúp người dân thay đổi thói quen trong sản xuất lúa, giảm bớt lượng giống gieo sạ trên đơn vị diện tích

Thực tế cho thấy, mô hình cánh đồng lớn giảm khoảng 1,5 triệu đồng/hecta/năm về chi phí bơm nước; giảm 2,5 triệu đồng/hecta/năm về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc, chi phí thu hoạch. Do sản xuất đúng quy trình kỹ thuật nên chất lượng lúa cao hơn, bình quân giá bán cao hơn bên ngoài mô hình từ 100 – 150 đồng/kg,… Tổng chi phí giảm từ 5 – 6 triệu đồng/hecta/năm so với ngoài mô hình.

Bên cạnh đó, nông dân khi tham gia mô hình còn được một số lợi ích khác như khỏi sắm bao bì đựng lúa, chi phí vận chuyển, ít hao hụt khi thu hoạch, hỗ trợ phơi sấy, kho tạm trữ lúa, giảm lãi nợ vay do được đầu tư vật tư sản xuất,…

Có thể nói, mô hình “Cánh đồng lớn” ở huyện Cái Bè đã giúp người dân thay đổi thói quen trong sản xuất lúa, giảm bớt lượng giống gieo sạ trên đơn vị diện tích. Nhằm hướng cho người nông dân từng bước tiến tới sản xuất hàng hóa nông sản theo hướng công nghiệp, từng bước tạo ra mối liên kết 4 nhà “Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông” trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao tổng sản lượng lương thực sau thu hoạch.

                                                                              Hùng Cường