Hào khí tháng Tư – Hồn thiêng sông núi

Tháng 4, cả đất nước hân hoan kỷ niệm 42 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2017). Đây cũng là thời điểm ý nghĩa để cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên… thăm lại chiến trường xưa và hồi tưởng về những năm tháng hào hùng trong quá khứ.

 Từ “địa chỉ đỏ” Quảng Trị, Quảng Bình…

Từ “địa chỉ đỏ” Quảng Trị, Quảng Bình…

Chiến tranh đã lùi rất xa, chỉ còn lại trong những bài báo xưa cũ, những thước phim tư liệu đen trắng quý giá. Thế nhưng, trong tâm khảm của những người lính đang ở cái tuổi xưa nay hiếm, tất cả vẫn còn nguyên vẹn. Dù đã mấy chục năm trôi qua, họ vẫn nhớ như in cái ngày giã từ ghế nhà trường, hân hoan khoác lên mình chiếc áo bộ đội lên đường làm nhiệm vụ. Nhớ những lúc co ro vì sốt rét, cả tiểu đội chia nhau từng manh áo. Những lúc đói lả, san sẻ một miếng lương khô hay củ mài cũng ấm lòng. Giữa hy sinh gian khổ, nay còn mai mất, giữa đói rét khốc liệt… tâm hồn người lính vẫn lấp lánh hy vọng về ngày mai chiến thắng.

Trong hành trình đầy cảm xúc ấy, hãy thăm lại thành cổ Quảng Trị nằm bên dòng Thạch Hãn hiền hòa – nơi ghi dấu cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt nhưng rất anh dũng của quân dân ta. Từ thị xã Đông Hà theo đường 9 – con đường lịch sử dẫn ta đến nghĩa trang Trường Sơn. Quy tụ hơn 10.333 phần mộ liệt sĩ đã hy sinh trên đường mòn Hồ Chí Minh, công trình là lòng biết ơn sâu sắc đối với những người con chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Dừng bước tại khu phi quân sự DMZ, cầu Hiền Lương – sông Bến Hải (vĩ tuyến 17), ta không khỏi bồi hồi khi nhớ lại một thời đất nước bị chia cắt sau Hiệp định Geneva 1954. Chiếc cầu năm xưa được bảo tồn làm chứng nhân lịch sử. Con sông vẫn êm đềm xuôi dòng. Thời gian đã xóa nhòa dấu vết chiến tranh, nhưng không thể phai màu bản hùng ca đã viết lên bởi hàng triệu con người.

 

Cảm xúc ấy gần như vỡ òa khi người cựu chiến binh đặt chân đến Vũng Chùa – Quảng Bình, thắp nén hương trầm cho người anh cả – Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thăm di tích đường 20 – con đường huyết mạch trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, dừng chân tại hang Tám Cô linh thiêng mà lòng rưng rưng khó tả. Nơi đây, 8 thanh niên xung phong đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ giữ huyết mạch giao thông.

…Đến khúc khải hoàn trên thành phố mang tên Bác

Dinh Độc Lập – công trình in đậm những mốc son chói lọi trong lịch sử vẻ vang của dân tộc là nơi tìm về của bao thế hệ. Nằm giữa trung tâm TP.HCM hoa lệ, dinh được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia, nơi hội họp của Chính phủ, nơi tiếp đón các nguyên thủ Quốc gia, thu hút đông đảo du khách tham quan mỗi ngày.

Ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng số hiệu 390 đã húc tung cổng chính tiến thẳng vào dinh. Đến 11h30, lá cờ mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phấp phới bay trên nóc dinh. Bắc – Nam đã sum họp, cuộc đấu tranh anh dũng của quân dân ta kết thúc thắng lợi sau 30 năm. Ngay lúc này, khi được quay lại chốn xưa, tâm hồn người lính già như trẻ lại, bởi những kỷ niệm xưa ùa về, vẫn còn tươi mới như ngày hôm qua.

Đặt chân lên đất thép Củ Chi, di tích Bến Dược, đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược gợi lại trong ta một thời kỳ gian khổ nhưng đầy lạc quan. Những thước phim tư liệu quý giá, tham quan địa đạo dài trên 200km, tìm hiểu hệ thống đường hầm quân sự, và thưởng thức khoai mì chấm muối vừng – món ăn chính của người dân trong thời chiến chính là trải nghiệm không du khách nào bỏ lỡ.

Đến khi di tích cách mạng Xẻo Quýt, cô du kích trong bộ bà ba khăn rằn, nón tai bèo thời chiến chèo xuồng ba lá đưa bạn len lỏi qua những vạt rừng tràm xanh tốt. Ta như được sống lại khung cảnh chiến khu xưa khi chứng kiến hầm tránh bom chữ A, hầm bí mật cá nhân hình chữ L, công sự chiến đấu hình chữ Z bằng đất đã phục chế nguyên vẹn…

Tất cả di tích ấy, sự kiện ấy như một mốc son chói lọi không thể nào quên. Bởi hành trình tháng 4 không chỉ tìm về quá khứ hào hùng, đó còn là sức mạnh để các thế hệ hôm nay viết nên trang sử mới cho dân tộc.

Nguồn Viettravel