Hạn, mặn trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp

Khô hạn, thiếu nước tiếp tục lan rộng ở miền Trung làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất.

Đó là nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương trong tháng Năm.


Ảnh minh họa.

Dòng chảy trên các sông Lô và sông Hồng có khả năng nhỏ hơn trung bình nhiều năm từ 15-20%. Trên các sông thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình, lũ tiểu mãn có thể xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm vào cuối tháng Năm.

Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội sẽ chịu ảnh hưởng điều tiết hồ chứa thượng lưu, thủy triều và dao động từ 1,7m đến 4m. Mực nước hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại chịu tác động mạnh của thủy triều và có khả năng dao động ở mức 0,35m đến 2m. Tình hình dòng chảy tháng 5 trên các sông Đà, hạ lưu sông Hồng có khả năng lớn hơn mức trung bình nhiều năm từ 50-60%.

Khô hạn, thiếu nước vẫn tiếp tục lan rộng tại miền Trung gồm các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Thuận và các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk. Ngoài ra, các sông khác ở Trung Bộ biến đổi chậm,  trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ nhỏ.

Dòng chảy phần lớn các sông chính ở Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30-90%, riêng trên sông Thu Bồn tại Nông Sơn ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Tại Nam Bộ, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi theo triều và đạt giá trị cao nhất vào nửa đầu tháng Năm. Mực nước cao nhất tháng tại Tân Châu ở mức: 1,20m, tại Châu Đốc ở mức: 1,30m, cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,18-0,3m.

Tình hình xâm nhập mặn tại các sông chính ở Nam Bộ giảm dần và độ mặn vùng hạ lưu các sông sẽ giảm đáng kể so với độ mặn tháng Tư vừa qua.

Độ mặn cao nhất tháng có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng Năm tại hệ thống sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ và vùng bán đảo Cà Mau-Kiên Giang. Trong tháng này, mực nước sông Đồng Nai tại Tà Lài biến đổi chậm.

Nguồn Toquoc.vn