Hacker Trung Quốc lấy được Công nghệ vũ khí tối tân của Mỹ?

       Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, thiết kế của hơn 20 hệ thống vũ khí lớn của quân đội nước này đã bị tin tặc đánh cắp.

Cụ thể, một bản báo cáo mật mới đây của Ban Khoa học Quốc phòng cho biết, bản thiết kế các vũ khí hiện đại nhất của Lầu Năm Góc, bao gồm trực thăng Black Hawk và Chiến hạm duyên hải LCS của Hải quân đều đã bị “đánh cắp”. Thủ phạm được nhìn nhận là người Trung Quốc.

Tờ Washington Post cuối ngày 27/5 cũng thừa nhận, họ đã được xem 1 bản sao của báo cáo nói trên và xác nhận người Trung Quốc hiện đã nắm được “công thức” cần thiết để “nhái” theo một số chương trình vũ khí tinh vi nhất của Mỹ.

Như vậy là, “Trung Quốc đã có được lợi thế chiến đấu trị giá hàng tỷ USD”, một quan chức quốc phòng giấu tên nói với các phóng viên Washington Post. “Họ đã tự tiết kiệm cho mình 25 năm nghiên cứu và phát triển.”.

“Tình hình thật tệ hại”, ông này nói về báo cáo trên.

(ảnh: sikorsky)

Ban Khoa học Quốc phòng, một ủy ban cố vấn dân sự bên trong Lầu Năm Góc, đã quyết định không cáo buộc phía Trung Quốc ăn cắp các bản thiết kế này. Tuy nhiên, bài báo của Washington Post xuất hiện ngay sau khi Bộ quốc phòng Mỹ mới đây đưa ra những cáo buộc chính thức đối với thủ phạm các cuộc tấn công mạng.

Trong báo cáo trước đó, Lầu Năm Góc khẳng định, “trong năm 2012, vô số mạng máy tính toàn cầu, bao gồm của chính phủ Mỹ, đã tiếp tục trở thành mục tiêu cho các vụ xâm nhập, bao gồm các vụ có dấu hiệu là do chính phủ và quân đội Trung Quốc trực tiếp gây ra”.

Ellen Nakashima, phóng viên Washington Post trình bày chi tiết phân tích của Ban Khoa học Quốc phòng đã viết rằng, bản thân hệ thống máy tính tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ có thể chưa bị xâm nhập nhưng các nhà thầu quốc phòng xây dựng nên các hệ thống vũ khí nói trên có khả năng đã bị mất an ninh thông tin.

Theo nữ phóng viên này, các quan chức Mỹ giấu tên cho biết một cuộc họp kín vào năm 2012 đã kết thúc với bằng chứng cho thấy các nhà thầu chủ chốt cho quân đội Mỹ đã phải hứng chịu các vụ xâm nhập thông tin. Khi được liên lạc và đề nghị đưa ra bình luận, tất cả các nhà thầu lớn như Boeing, Lockheed Martin, Raytheon và Northrop Grumman đều khước từ.

Các tin tặc Trung Quốc trước đó đã bị tố là mở các cuộc tấn công mạng đối với một số thực thể Mỹ, bao gồm các tập đoàn trị giá hàng tỷ USD và các bộ ngành của chính phủ Mỹ. Năm 2007, có báo cáo cho thấy Trung Quốc đã “sưu tầm” được các bản thiết kế chiến đấu cơ F-35 của Mỹ – chương trình vũ khí tốn kém nhất cho đến thời điểm đó, nhưng tin tức mới nhất của Ban Khoa học Quốc phòng cho thấy phạm vi bí mật vũ khí Mỹ bị lộ còn lớn hơn nhiều.

Theo Washington Post, các kế hoạch phát triển hệ thống tên lửa Patriot, một chương trình chống đạn đạo của Lục quân, và môt số lượng phi cơ rốt cuộc đã rơi vào tay Trung Quốc. Điều này có nghĩa rằng, Trung Quốc đang gắng sức tái tạo lại những thứ đã thành biểu tượng cho sức mạnh quân sự Hoa Kỳ, nhằm phát triển năng lực tấn công của riêng mình. Không những vậy, việc này còn giúp Trung Quốc ở vào thế có thể chế ngự được các hệ thống vũ khí tối tân của đối phương do đã “biết tỏng” cơ cấu bên trong và vạch ra phương án phòng  ngừa.

Gián điệp mạng tỏ ra rất 'kinh tế' (ảnh: Reuters)

“Một khi họ đã xâm nhập được vào hệ thống tên lửa, nắm được thuật toán cơ bản của nó thì họ sẽ có khả năng hiểu nguyên lý vận hành để từ đó gây nhiễu hoặc vô hiệu hóa nó,” Winslow T. Wheeler, giám đốc Dự án Cải cách Quân sự Straus nói với tờ Washington Post.

Mandiant, một công ty bảo mật của Mỹ có trụ sở bên ngoài Washington, vào đầu năm 2013 đã tung ra báo cáo gây xôn xao dư luận, mà theo đó, Trung Quốc đã sử dụng một biệt đội chiến binh mạng tấn công vào hệ thống vi tính của Mỹ và tiến hành chiến tranh gián điệp với tư cách Quân giải phóng Trung Quốc.

Khi báo cáo trên được công bố vào tháng 2/2013, Mandiant cho rằng đơn vị bí hiểm 61398 đã hack thành công hơn 141 công ty thuộc 20 ngành công nghiệp, bao gồm hãng Coca Cola và một công ty dịch vụ của Canada. Các vụ hack đó “’thuyên giảm” dần sau khi hãng Mandiant “chỉ đích danh” thủ phạm, nhưng vào đầu tháng 5 này, Mandiant cho biết các vụ tấn công kiểu đó đã được nối lại.
 
Về phần mình, Trung Quốc nhất quyết phủ nhận mọi cáo buộc cho rằng họ phát động các cuộc tấn công mạng nhằm vào mạng máy tính của Mỹ. Sau khi có báo cáo lần 1 của Mandiant, 1 phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố những cáo buộc đó là “vô trách nhiệm và thiếu chuyên nghiệp”.

Khi ấy ông Hồng Lỗi đã nói rằng “tấn công mạng là xuyên quốc gia và nặc danh”, rồi quả quyết: “Xác định nguồn gốc các vụ tấn công là cực khó. Chúng tôi không thấy chút hợp lý nào trong chứng cớ do cái gọi là bản báo cáo đó đưa ra cả.”/.