Google trong nỗ lực kiểm soát Android

Google vừa cho ra mắt ba mẫu điện thoại thông minh Android One với các thông số kỹ thuật và phần mềm giống hệt nhau đang được xem như nỗ lực lớn nhất từ trước tới nay của hãng này để giành lại kiểm soát đối với hệ điều hành Android.

 2
Điện thoại Android One của Google

Tuần vừa rồi, Google đã cho ra mắt ba mẫu điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android One ở thị trường Ấn Độ. Cả ba mẫu điện thoại mới có tên là Micromax, Karbonn và Spice đều có thông số kỹ thuật và phần mềm giống hệt nhau và do đó các điện thoại này sẽ được cập nhật, nâng cấp phần mềm mới cùng thời điểm và do Google kiểm soát. Android One là một trong những nỗ lực của Google nhằm lấy lại quyền kiểm soát của mình đối với cả phần cứng và phầm mềm chạy hệ điều hành Android.

Theo Google, các hãng phần cứng sẽ phải chọn từ một danh sách các thành phần để làm ra chiếc điện thoại thông minh của mình và danh sách này do Google lập ra. Ngoài ba hãng sản xuất điện thoại đang hợp tác với Google để sản xuất Android One ở Ấn Độ thì còn có Acer, Alcatel, ASUS, HTC, Intex, Lava, Lenovo, Panasonic, Xolo và Qualcomm.

Vấn đề lớn nhất đối với Google không phải do Android có quá nhiều phiên bản vì điều này không ảnh hưởng đến doanh thu của hãng mà do các hãng sản xuất tự thay thế các thành phần của Android khi bán ra thị trường và làm cho hãng này mất dần kiểm soát đối với chính hệ điều hành của mình. Ví dụ nhiều hãng điện thoại khi sản xuất điện thoại thông minh dùng hệ điều hành Android đã dùng trình duyệt web là Opera thay vì Chrome của Google.

Hơn nữa, Google cũng đang khó chịu với chiều hướng nhiều dòng máy đã thay thế chợ ứng dụng khác thay vì Google Play. Trong tháng 7, Google đã phải làm việc với Samsung về dòng sản phẩm Galaxy vì Samsung đã yêu cầu người dùng phải trả phí về nội dung trên chợ ứng dụng Samsung mà các ứng dụng này lại có sẵn trên Google Play; rõ ràng là hãng khổng lồ Google đã mất doanh thu khi người dùng mua ứng dụng trên chợ ứng dụng của Samsung. Với Android One, Google muốn các máy điện thoại thông minh sẽ không bị thay thế chợ ứng dụng Google Play bằng một chợ ứng dụng khác.

Cho dù làn sóng Android One có thể không lớn nhưng cho thấy hãng này có những thay đổi trong tiếp cận đối với hệ điều hành của mình. Ban đầu, với tham vọng Android phát triển nhanh, hãng này đã làm cho Android rất mở để dễ phát triển, sửa đổi và luôn có nhiều tính năng mới trong các phiên bản. Từ nay, các hãng sản xuất thiết bị sẽ phải đi theo Google trong cả phần cứng, phần mềm cũng như nâng cấp, cập nhật các phiên bản.

Cách Google đang thực hiện chuẩn hóa cả phần cứng và phần mềm được xem giống như cách mà Apple đang thực hiện với iOS và sẽ làm cho nhiều hãng sản xuất điện thoại thông minh gặp vấn đề nếu họ muốn chiếc điện thoại của mình có những tính độc đáo và khác biệt như trước đây. Hơn nữa, câu hỏi đặt ra ở đây là Google đang muốn tạo nên một sự thống trị mới trong lĩnh vực điện thoại di động hay họ đang muốn hướng người dùng đến một hệ điều hành Android tốt hơn.

Nguồn Nhân dân