Giữ gìn di sản đất phương Nam

Những ngày qua, Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ 2 năm 2017 tại Bình Dương thật sự là những ngày hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là dịp để trên 500 nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử đờn ca từ 21 tỉnh, thành giao lưu, học tập kinh nghiệm, hiểu thêm về mảnh đất và con người Bình Dương hiền hòa, nghĩa tình và thân thiện. Trên tất thảy, liên hoan một lần nữa nhắc nhở chúng ta ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại – để ĐCTT ngày càng phát triển, có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng và trường tồn cùng dân tộc.

Tiết mục đờn ca tài tử của đoàn nghệ thuật tỉnh An Giang. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tiếng lòng tặng khách tri âm

Xuất xứ từ nhạc cung đình Huế, ĐCTT tử được du nhập vào miền Nam từ cuối thể kỷ XIX do 3 nhạc sư gốc Trung bộ sáng tạo nên. Từ không gian nhỏ hẹp ban đầu, sau mở rộng cho nhiều đối tượng hơn. Lúc đầu chỉ có đờn, sau xuất hiện hình thức ca cùng đờn nên gọi là đờn ca. Chữ “tài tử” ở đây có nghĩa là người chơi nhạc có biệt tài, giỏi về cổ nhạc chứ không có nghĩa là nghiệp dư. Theo bước chân các thế hệ tiền nhân đi khẩn hoang mở cõi xuôi về phương Nam, những bản nhạc mang tâm tình của những người xa xứ càng tăng thêm tính ngẫu hứng và sáng tạo. Hạt giống tốt được gieo trồng trên mảnh đất phù sa, màu mỡ ở phương Nam đã nhanh chóng đâm chồi nảy lộc và không ngừng phát triển.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, ĐCTT bén rễ và phát triển là nhờ điều kiện địa lý tự nhiên, xã hội của vùng đất phương Nam. Điều kiện sông nước hữu tình, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, con người chân chất, nghĩa khí, phóng khoáng, năng động và ham chuộng văn nghệ, chính là nền tảng quan trọng để tạo nên tính đa dạng phong phú, biểu hiện trong hệ thống bài bản âm nhạc và các dạng thức sinh hoạt ĐCTT. Một khi đã ngẫu hứng, thì dù ở bất cứ địa điểm nào, không gian nào, người ta cũng có thể ngồi lại bên nhau để cùng hòa đàn, hòa ca. Một khi khách tri kỷ, người tri âm đã tương ngộ thì người ta có thể hòa đờn, hòa ca mà không còn quan trọng thời gian. Cuộc giao lưu, giao hòa giữa thiên nhiên thơ mộng với lòng người đa cảm, đa tình mà cất thành khúc nhạc lời ca. Không câu nệ, không hình thức, cũng không khoảng cách, bởi đờn càng hay, ca càng hứng. Người ta có thể chơi ĐCTT nơi bờ tre, giữa vườn cây, ngay góc sân nhà hay bờ ao, góc ruộng, thậm chí chèo xuồng trên sông đờn ca thâu đêm… Vừa hàn lâm, bác học, lại vừa gần gũi, đại chúng là vậy.

Lịch sử đất nước trải qua bao thăng trầm nhưng ĐCTT vẫn đồng hành với những bước đi của dân tộc, được nuôi dưỡng bởi niềm tự hào và tinh thần dân tộc. Có lẽ, ít loại hình nghệ thuật nào minh chứng được sức sống vô cùng mạnh mẽ như ĐCTT. Hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, ĐCTT nay đã phổ biến tại 21 tỉnh thành từ Ninh Thuận đến Cà Mau, thậm chí còn lan tỏa khắp các tỉnh phía Bắc. Chính những nét đặc trưng độc đáo ấy đã đưa nghệ thuật ĐCTT đến với thế giới và được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đặc sắc văn hóa Nam bộ

Liên hoan ĐCTT quốc gia đã khép lại, nhưng với hàng triệu trái tim người mộ điệu lại mở ra nhiều hy vọng mới: nghệ thuật ĐCTT – loại hình âm nhạc dân gian truyền thống của dân tộc gắn liền với bản sắc văn hóa Nam bộ sẽ tiếp tục phát triển, vang vọng theo dòng chảy của thời gian, lưu truyền cho các thế hệ mai sau và song hành cùng đời sống của người dân Nam bộ. Không chỉ thế, loại hình nghệ thuật này còn góp phần quảng bá nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc khi hội nhập với bạn bè trên thế giới. Có hòa mình vào không khí giao lưu với người dân huyện thị, có tham gia ngày hội lớn của giới tài tử cả nước những ngày qua, mới có thể cảm nhận rõ tính mộc mạc, gần gũi, những tình cảm yêu thương, trân trọng mà bao người đã dành cho loại hình nghệ thuật này. Hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ chia tay nhau trong sự lưu luyến. Để rồi, trở về với cuộc sống hàng ngày, họ góp sức cùng nhau bảo tồn di sản của dân tộc, từng ngày thắp lửa tin yêu nghệ thuật ĐCTT cho lớp trẻ, cần mẫn truyền dạy những tinh hoa của nghệ thuật tài tử cho các thế hệ sau.  

Chương trình của đoàn nghệ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan ĐCTT quốc gia lần 2 năm 2017. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Ở tỉnh Tây Ninh, nghệ thuật ĐCTT cũng đang phát triển sâu rộng. Trung tâm văn hóa tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 285 CLB, đội nhóm ĐCTT đang sinh hoạt tại các trung tâm văn hóa từ tỉnh, TP, huyện thị đến các trung tâm văn hóa thể thao và học tập cộng đồng tại phường xã, thị trấn, xóm ấp và khu dân cư của tỉnh. Trong đó, có 82 CLB ĐCTT và hơn 50 nghệ nhân đóng vai trò là hạt nhân nòng cốt, bảo vệ và phát huy giá trị ĐCTT qua những lớp truyền dạy ở cơ sở. Thực hiện chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật ĐCTT Nam bộ của Bộ VH-TT-DL, tháng 6-2015, UBND tỉnh đã ban hành quyết định, phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT đến năm 2020.

Chắp cánh để di sản thăng hoa

Ông Huỳnh Ngọc Đáng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Dương cho biết, toàn tỉnh có khoảng 800 nghệ nhân, tài tử đang sinh hoạt tại 60 câu lạc ĐCTT, do nhiều người trong số họ đã lớn tuổi nên công tác truyền dạy ĐCTT đang được nỗ lực và đẩy mạnh, nhất là cho các thế hệ trẻ.

Anh Vưu Long Vĩ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu cho biết thêm, được sự quan tâm của lãnh đạo ngành văn hóa, trong tháng 5 và 6 tới, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu sẽ mở 2 lớp: viết lời mới cho 20 bài bản tổ, bài vọng cổ nhịp 8, 16, 32 và lớp sáng tác chặp cải lương, tuyên truyền lưu động. Đây là việc làm có ý nghĩa để khích lệ, động viên phong trào sáng tác, bên cạnh phong trào ĐCTT, qua đó phản ánh sinh động đời sống hiện đại của bộ mặt nông thôn mới, của người dân. Anh Vĩ cho hay, nhằm lan tỏa sức hấp dẫn của bộ môn âm nhạc ngũ cung đến các em thiếu nhi, tỉnh đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy ĐCTT trong các trường học ở TP Bạc Liêu. Qua đó, đã phát hiện và ươm mầm không ít “tài tử nhí” đầy hứa hẹn.

Quả thật, một điều đáng mừng là thế hệ măng non yêu ĐCTT đã xuất hiện. Bên cạnh những ngón đờn lão luyện, những  giọng ca chín muồi, tại hội thi ĐCTT đã xuất hiện nhiều giọng ca nhí rất tài năng. Khán giả vẫn chưa quên phần trình diễn xuất thần của các “tài tử nhí”. Đó là giọng Nam ai của Tú  Sương (Bạc Liêu); Thu Hà, Hồng Yến (An Giang); Thảo Linh (Trà Vinh); lối diễn cuốn hút của Kim Trâm (Bà Rịa – Vũng Tàu) và giọng ca khá già dặn của bé Lan Nhi (TPHCM)…

Nguồn SGGP