Giải pháp khắc phục hiện tượng sầu riêng rụng trái non

(THTG) Ngay sau khi hạn mặn đi qua và bắt đầu có những cơn mưa đầu mùa, nông dân các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang bắt tay sản xuất vụ sầu riêng mới năm 2021. Tuy nhiên, sau khi sầu riêng ra hoa, kết trái đã xảy ra tình trạng rụng trái non, có nguy cơ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của cả vụ mùa.

vlcsnap-2021-05-04-15h10m15s192

vlcsnap-2021-05-04-15h14m02s559

Chăm sóc sầu riêng, chuẩn bị cho vụ mùa mới theo khuyến cáo nhằm hạn chế tình trạng rụng trái non. Ảnh: Minh Trí

Theo các nhà khoa học Viện Cây ăn quả miền Nam, nguyên nhân dẫn đến sầu riêng bị rụng trái non vượt quá tỷ lệ cho phép hiện nay là do cây vừa trải qua đợt hạn, mặn, chưa phục hồi dinh dưỡng toàn diện, trong khi phải nuôi cùng một lúc quá nhiều trái. Ngoài ra, do tác động của các yếu tố ngoại cảnh dẫn đến sự rụng trái như: thiếu hoặc thừa nước đột ngột, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp đột ngột, cây tiếp tục ra cơi đọt non cạnh tranh dinh dưỡng với nuôi trái hoặc do sâu rầy, bệnh hại tấn công, nhất là các bệnh hại bộ rễ,…

Để khắc phục tình trạng sầu riêng rụng trái non, Viện Cây ăn quả miền Nam khuyến cáo nông dân cần tác động cây bằng Paclobutrazol, để làm chậm quá trình cây ra đọt non từ 2 đến 3 tuần so với bình thường, đồng thời cung cấp Auxin và các nguyên tố đa lượng, vi lượng cần thiết, nhất là cung cấp đủ nước để chống hình thành tầng rời là nguyên nhân chính dẫn đến rụng trái. Ngoài ra, nông dân có thể sơn GA 4 lên cuống trái sau nở hoa 6 tuần, để giảm rụng trái và tăng năng suất thêm khoảng 30%. Đặc biệt, trong quá trình bón phân, nên chọn các sản phẩm có hàm lượng Kali cao, cung cấp thêm cho cây trong thời gian cây nuôi trái. Bên cạnh đó, nông dân cần thăm vườn thường xuyên, kịp thời phòng chống các đối tượng dịch hại thường gặp trên cây sầu riêng như: nấm hồng, thán thư, xì mủ, cháy lá,… để có được vụ mùa bội thu.

Kim Nữ