Giải mã gene để chăm sóc sức khỏe tốt hơn

Hội thảo khoa học mang tên Genetica Talk với chủ đề “Sự kết hợp của giải mã gene và trí tuệ nhân tạo (AI), phương thức đột phá chăm sóc sức khỏe Việt” vừa diễn ra tại TPHCM, cho thấy xu hướng chung của thế giới trong việc dùng thông tin gene để cá nhân hóa phác đồ điều trị… Đây là lĩnh vực còn khá mới tại Việt Nam.
pr10a_dtfr
TS Cao Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo khoa học Genetica Talk

Chẩn đoán chính xác hơn

Với hơn 100 khách đến từ các bệnh viện, trường học, trung tâm chăm sóc sức khỏe, trung tâm thể dục thể thao và khách hàng thân thiết của Công ty Genetica tại Việt Nam, qua Genetica Talk cho thấy xu hướng chung của thế giới trong việc dùng thông tin gene để cá nhân hóa phác đồ điều trị, thông qua trình bày của GS Roy Perlis đến từ Trung tâm Nghiên cứu gene của Đại học Y Khoa Harvard, hay chia sẻ của GS Gill Bejerano về ứng dụng AI trong giải mã gene và hiệu quả vượt bậc của chúng trong việc chăm sóc sức khỏe.

TS Cao Anh Tuấn, Giám đốc điều hành kiêm nhà đồng sáng lập Genetica, cho biết: “Chúng ta không những cần chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe mà còn phải chính xác cho từng cá nhân và giải mã gene không chỉ là một dịch vụ mà còn phục vụ dữ liệu nghiên cứu cho sự phát triển vượt bậc của ngành y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thể chất, dinh dưỡng… trong tương lai gần”.

Mới đây tại Hà Nội, Bộ KH-CN cũng tổ chức hội thảo liên quan đến giải mã gene. Tại đây, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho biết sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã kéo theo sự thay đổi của hàng loạt lĩnh vực khác nhau. Với lĩnh vực y tế, công nghệ số đã tác động, thúc đẩy sự phát triển các phương pháp chẩn đoán bệnh, kết hợp giải mã gene trong y tế. “Để giải quyết được những vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ vào giải mã gene phục vụ ngành y tế, cần xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về y tế. Trong đó bao gồm dữ liệu về bệnh án, về các loại gene, mã gene, kể cả các phim chụp X-quang. Việc kết hợp công nghệ AI với các lĩnh vực như giải mã gene, xử lý ảnh sẽ giúp kết quả chẩn đoán chính xác hơn, thay đổi các phương pháp truyền thống mà ngành y tế đã từng áp dụng”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đánh giá.

Thiếu dữ liệu gene người Việt

Trở lại với giải mã gene, theo ông David Strohm (Quỹ đầu tư Greylock), hiện có rất ít người Việt Nam và Đông Nam Á được tiếp cận công nghệ giải mã gene tiên tiến. Công nghệ giải mã gene chỉ giới hạn tại các dịch vụ xét nghiệm nước ngoài với thời gian lâu và chi phí cao. Mặt khác, các tổ chức/công ty giải mã gene chưa chắc đã có thể bảo vệ quyền cá nhân đối với người dùng và tuân theo các quy định về sự an toàn dữ liệu cá nhân đối với chính phủ. “Điều này khiến cơ sở dữ liệu và mô hình di truyền toàn cầu bị thiếu hụt đi phần dữ liệu, thông tin về di truyền của người Việt Nam nói riêng và người Đông Nam Á nói chung. Với sự thiếu hụt này, “y học chính xác” khó có thể được áp dụng tại Việt Nam cũng như Đông Nam Á. Khi đó, chính các công trình nghiên cứu điều trị bệnh hay hãng dược phẩm chế tạo thuốc cũng sẽ không dựa vào dữ liệu cho hệ gene của người Việt Nam và Đông Nam Á. Đây là thiệt thòi rất lớn về y học”, ông David Strohm nhận định.

Các thông tin khoa học từ hội thảo Genetica Talk cho thấy, với sự tiến bộ không ngừng của công nghệ, giá dịch vụ giải mã gene ngày càng rẻ. Trong thời buổi sơ khai của ngành dịch vụ giải mã gene, để giải mã một bộ gene người cần rất nhiều tiền, sau đó chi phí này giảm còn khoảng 100 triệu USD. Tuy nhiên giờ đây, chi phí cho việc giải mã gene chỉ còn ở mức từ 600 – 1.000USD, tức việc giải mã gene ngày càng rẻ và dự báo còn rẻ hơn trong thời gian tới. Tại Việt Nam hiện Genetica là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực giải mã gene với kỳ vọng mang dịch vụ này đến từng người dân Việt Nam; thúc đẩy việc xây dựng phòng xét nghiệm tiên tiến theo tiêu chuẩn Mỹ tại Việt Nam, tiến tới tương lai xây dựng trung tâm giải mã gene hàng đầu châu Á.

TS Cao Anh Tuấn khẳng định: “Chúng tôi cố gắng mang công nghệ và đội ngũ từ Hoa Kỳ về quê hương với mong muốn sự kết hợp của giải mã gene và công nghệ AI sẽ là phương thức đột phá, giúp việc chăm sóc sức khỏe của người dân Việt Nam trở nên hiệu quả, dễ dàng và chính xác với từng cá nhân”.

Việc giải mã gene sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về hệ gene của mình; từ đó có hoạch định, kế hoạch nuôi dưỡng và giáo dục trẻ một cách tối ưu nhất, giúp “cá nhân hóa” chế độ luyện tập và dinh dưỡng hiệu quả, phòng ngừa các căn bệnh tiềm ẩn, đặc biệt là ung thư di truyền. Việc phân tích gene là dùng DNA (Deoxyribo Nucleic Axit) có trong tế bào của cơ thể con người để xác định các yếu tố di truyền như tiềm năng, thể chất, dinh dưỡng, nguy cơ bệnh trong mỗi người. Công nghệ Genetica không cần phải lấy máu để phân tích gene. Thay vào đó, Genetica sử dụng bộ dụng cụ chuyên dụng (Saliva Collection Kit) để thu thập và bảo quản mẫu nước bọt, sau đó gửi mẫu qua Mỹ để tiến hành phân tích và giải mã gene ở phòng thí nghiệm Center of Advanced Technologies của Trường Đại học California, San Francisco, Hoa Kỳ.

Nguồn SGGP