Giá trứng hạ nhiệt, nhiều thương lái tung chiêu trò giải cứu

Sau Tết Nguyên đán hằng năm là thời điểm nhu cầu tiêu thụ trứng gia cầm giảm, giá trứng gia cầm cũng theo đó mà hạ nhiệt. Để kích cầu tiêu thụ trứng nhiều thương lái tung chiêu trò giải cứu gây ảnh hưởng đến ngành hàng, tác động không nhỏ đến bà con nông dân và thậm chí còn làm hạ giá trị của nông sản Việt.

Sau Tết Nguyên đán hằng năm là thời điểm nhu cầu tiêu thụ trứng gia cầm giảm, giá trứng gia cầm cũng theo đó mà hạ nhiệt.
Sau Tết Nguyên đán hằng năm là thời điểm nhu cầu tiêu thụ trứng gia cầm giảm, giá trứng gia cầm cũng theo đó mà hạ nhiệt.

Thực hư sau những băng rôn giải cứu trứng

Hơn chục ngày qua trên các tuyến phố tại Hà Nội như Phạm Hùng, Tố Hữu, Dương Đình Nghệ, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Chánh, Trường Chinh, Đào Tấn… xuất hiện những băng rôn đỏ được kèm theo dòng chữ “giải cứu trứng gà” hoặc 65.000 đồng/30 quả trứng, 60.000 đồng/30 quả trứng;… Như vậy, trứng gà chỉ khoảng 2.000-2.200 đồng/quả. Mức giá khá mềm so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Theo khảo sát của phóng viên, tại các điểm trưng băng rôn giải cứu trứng gà, trứng được chia thành túi 30 quả để tiêu thụ cho nhanh.

Một tiểu thương tiêu thụ trứng trên đường Phạm Hùng cho biết: Mỗi ngày, điểm bán này có thể bán khoảng 100 khay trứng, tương đương 3.000 quả.

Không chỉ trên đường phố, mấy ngày nay, các diễn đàn, nhóm trên mạng xã hội cũng nóng lên với những bài viết rao bán trứng rẻ nhất lịch sử, “giải cứu trứng” cho người chăn nuôi.

Việc treo biển giải cứu cùng với đó là việc hạ giá thành trứng đã đánh trúng tâm lý nhiều người tiêu dùng nên khá hút khách.

Có người thì vì thấy rẻ mà mua, cũng có người vì muốn hỗ trợ bà con nông dân nên mua. Trước đây, nếu họ chỉ mua mỗi lần 10 quả thì nay họ đương nhiên là phải mua cả túi 30 quả. Thậm chí, vì thấy rẻ, họ còn mua cho họ hàng, người thân.

Giá trứng hạ nhiệt, nhiều thương lái tung chiêu trò giải cứu ảnh 1

Việc treo biển giải cứu cùng với đó là việc hạ giá thành trứng đã đánh trúng tâm lý nhiều người tiêu dùng.

Theo một tiểu thương chuyên kinh doanh trứng tại chợ đầu mối phía Nam, trước và sau Tết Nguyên đán thường là thời điểm giá trứng rẻ nhất năm. Bởi lẽ, thời điểm này, sản xuất cho mùa Tết kết thúc, các công ty, doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, bếp ăn tập thể giảm nhập hàng. Bên cạnh đó, nhu cầu trên thị trường cũng giảm do đúng thời điểm nghỉ Tết kéo dài. Trong khi đó, gia cầm vẫn đẻ trứng đều đặn nên lượng trứng tồn đọng và phải bảo quản là hết sức bình thường.

Theo tiểu thương này, cung lớn hơn cầu, nhưng nhiều đến mức phải ‘giải cứu’ thì lại là câu chuyện khác. Nhiều người trưng biển giải cứu chủ yếu để ‘câu khách’, bán trứng với số lượng lớn, dù với giá thấp hơn, bù qua, bù lại họ vẫn thu lợi nhuận không nhỏ từ những biển “giải cứu”.

Theo tính toán, giá thành trứng gà hiện nay 1.750 đồng/quả. Nếu nhân lên mỗi khay 30 quả thì giá có hơn 50.000 đồng. Trong khi các tiểu thương bán với giá 65.000 đồng/30 quả thì rõ ràng họ vẫn đang có lãi.

Ghi nhận trong sáng nay 21/2 tại chợ đầu mối phía Nam, trứng gà ngon vẫn được bán ở mức 30.000 đồng/10 quả; giá trứng gà Ai Cập vẫn ở mức 23.000 – 25.000 đồng/10 quả; gà đỏ (gà công nghiệp) 22.000 đồng/10 quả; trứng vịt ở mức 28.000 đồng/10 quả; trứng chim cút 6.000 đồng/10 quả, trứng gà tre 25.000 đồng/10 quả;…

 Còn tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Kim Liên, chợ Hoàng Mai, giá trứng gà vẫn ở mức từ 25.000-28.000 đồng/10 quả. Theo các tiểu thương tại các chợ này, do họ mua sỉ lại từ các dân buôn hoặc từ các chợ đầu mối nên có bán cao hơn đôi chút để bù vào lượng trứng bị dập vỡ, hay hư hỏng do bảo quản hay tiêu thụ chậm.

Cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng trứng bày bán hàng rong

Theo TS, Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, giá trứng gà có giảm nhẹ vì cung vượt cầu sau Tết, điều này cũng diễn ra như mọi năm. Tuy nhiên, giá thu mua tại trang trại khoảng 1.800-2.000 đồng/quả vẫn bảo đảm cho người nông dân có lãi bởi giá thành ở mức 1.750 đồng/quả. Dự báo, giá trứng sẽ trở lại mức bình thường, khoảng 3.000 đồng/quả vào tháng 2 Âm lịch.

Ông Nguyễn Thanh Sơn cũng khẳng định việc bày bán, căng băng rôn kêu gọi giải cứu “chỉ là chiêu trò của tiểu thương”, “làm hạ giá trị của nông sản Việt”. Đến nay, các cơ sở sản xuất của Hiệp hội cũng như các trang trại của nông dân chăn nuôi gà trứng vẫn tiêu thụ ổn, chưa hộ nào phải kêu gọi từ thiện, hảo tâm của người tiêu dùng.

Theo ông Sơn, trên thị trường giá trứng giảm từ 200-300 đồng mỗi quả so với trước Tết, nhưng đây là điều bình thường diễn ra hằng năm. “Nhiều tiểu thương lợi dụng thời điểm giá trứng giảm để đi thu gom tại các trang trại có quy mô vừa và nhỏ ở nhiều khu vực, bán lẻ với giá chỉ 2.000-2.100 đồng. Trong khi giá bán buôn trên thị trường dao động 1.800-2.100 đồng. Giá bán quá rẻ nên người tiêu dùng cần cảnh giác”, ông nói.

Giá trứng hạ nhiệt, nhiều thương lái tung chiêu trò giải cứu ảnh 2

Cần kiểm tra nguồn gốc và xác định sản phẩm trứng đủ tiêu chuẩn cung cấp ra thị trường.

Trước tình trạng số lượng điểm giải cứu trứng gia tăng, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng hành động này không nên cổ vũ, cần cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc kiểm tra nguồn gốc trứng và xác định sản phẩm có đủ tiêu chuẩn cung cấp ra thị trường hay không.

Ông cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua trứng ở vỉa hè vì không rõ nguồn gốc và thời gian bảo quản.

“Ở nhiệt độ thường, trứng có chất lượng tốt nhất trong 7-10 ngày và giảm dần. Việc để trứng lâu ngày rất dễ bị nhiễm khuẩn, nhất là Salmonella gây bệnh đường ruột, có hại đến sức khỏe con người”, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay mức độ tiêu thụ trứng gà so với trước Tết có giảm nhưng chưa đến nỗi ế, thừa. Việc các tư thương bày bán trứng trên hè phố Hà Nội, trên “chợ mạng” để kêu gọi giải cứu, rất có thể đó chỉ là chiêu trò lợi dụng, chụp giật trong kinh doanh.

Không nên tùy tiện dùng băng rôn “giải cứu” cũng là khuyến nghị của các chuyên gia nhằm tránh tình trạng “lấy đá ghè chân mình”. Bởi những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh trong việc chào giá xuất khẩu, hay tùy tiện sử dụng băng rôn “giải cứu” một mặt hàng nào đó có thể ảnh hưởng tới cả một ngành hàng, tác động không nhỏ đến bà con nông dân và thậm chí còn làm hạ giá trị của nông sản Việt.

Nguồn nhandan.vn