Giá dầu: Đâu mới là đáy

Trong tháng đầu tiên của năm mới 2015, giá dầu tiếp tục sụt giảm do dư thừa nguồn cung, đồng USD tăng giá cùng các yếu tố đầu cơ và căng thẳng địa chính trị tại nhiều khu vực.

Báo cáo do Bộ Năng lượng Mỹ công bố ngày 22/1 cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ trong tháng 1/2015 tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2014, đạt mức cao nhất trong 80 năm qua. Mỹ đã gia tăng nguồn cung dầu với khoảng 1,2 triệu thùng mỗi ngày trong vòng 11 tháng qua.

Một số nhận định quốc tế cho rằng, năm 2015 giá dầu sẽ khó vượt mức 60 USD/thùng; khả năng “chạm đáy” 42 USD/thùng trong quý I/2015 và sẽ tăng lên mức trung bình 54 USD/thùng vào cuối năm 2015 do các nước OPEC cắt giảm sản lượng khai thác nhằm giữ giá dầu ổn định.

Thêm nữa, hoạt động sản xuất tại Bắc Mỹ có thể chững lại do giới đầu tư rút vốn để khắc phục khó khăn về tài chính.

Tuy nhiên, dù kỳ vọng giá dầu sẽ duy trì ở mức thấp trong năm nay nhưng Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng phải mất vài năm cú sốc giá tích cực này mới có thể thúc đẩy triển vọng tăng trưởng. Còn trước mắt, cú sốc này sẽ gia tăng biến động của thị trường trong ngắn hạn và cắt giảm đầu tư vào các hoạt động khai thác dầu đá phiến và khai thác dầu ở vùng biển sâu.

Theo WB, trước mắt giá dầu thấp hơn chỉ góp phần thúc đẩy triển vọng tăng trưởng toàn cầu thêm 0,1% trong năm nay. Đà sụt giảm của giá dầu có thể gây sức ép đẩy lạm phát trên toàn thế giới suy yếu.

Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s, mức giá trung bình trong năm 2015 của dầu Brent là 55 USD/thùng và dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) là 52 USD/thùng. Năm 2016 sẽ tăng lên mức 65 USD/thùng và 62 USD/thùng.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Năng lượng thế giới (IEF) tại Kuwait ngày 21/1/2015, Tổng Thư ký IEF cho rằng thế giới sẽ vẫn trong tình trạng dư cung dầu mỏ trong quý II/2015. Tổng Thư ký OPEC khẳng định OPEC chỉ cắt giảm sản lượng khai thác nếu các nước cung cấp dầu không thuộc OPEC có hành động tương tự.

Thúc đẩy điều chỉnh chính sách kinh tế tại nhiều nước

Giá dầu mỏ biến động đã thúc đẩy sự điều chỉnh chính sách kinh tế tại nhiều nước và khu vực. Một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đã áp dụng các biện pháp ứng phó, như Indonesia giảm thuế đất cho các hoạt động thăm dò dầu khí (do lo ngại các doanh nghiệp và nhà đầu tư ngừng các dự án thăm dò và khai thác dầu khí). Nguồn thuế này từng mang lại nguồn thu tới 18.000 tỷ rupiah (1,43 tỷ USD) cho Indonesia, tương đương 1,2% tổng thu ngân sách chính phủ trong năm 2014.

Iran cũng xây dựng các kịch bản điều hành ngân sách theo các mức dự báo giá dầu, trong đó tính tới các biện pháp giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ. UAE đẩy mạnh đa dạng hóa cơ cấu năng lượng thông qua phát triển năng lượng hạt nhân và năng lượng mặt trời. Canada điều chỉnh lãi suất nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc giảm sút doanh thu xuất khẩu dầu;, trong khi Mỹ xem xét khả năng thu hẹp các kế hoạch mở rộng khai thác dầu đá phiến.

Nguồn VGPnews