GDP sáu tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%

Sáng 29-6, Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) sáu tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của sáu tháng trong giai đoạn 2011-2020.

GDP sáu tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%

Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế – xã hội nước ta sáu tháng đầu năm diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới. Những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đang đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua; thương mại toàn cầu tiếp tục suy giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá dầu thô giảm mạnh do nhu cầu sử dụng hạn chế; thất nghiệp tăng cao. Theo các tổ chức quốc tế và thể chế tài chính, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2020.

Trong nước, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.

Tổng cục Thống kê cho rằng, kết quả trên cho thấy thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh.

Trong mức tăng trưởng 1,81% trong sáu tháng đầu năm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%. Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,96%) và các ngành dịch vụ thị trường (Bán buôn và bán lẻ tăng 4,3%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%).

Giá tiêu dùng tháng 6 tăng 0,66%

Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,66% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng dầu tăng cao 3 đợt liên tiếp và giá thịt lợn tiếp tục tăng trong những ngày đầu tháng 6.

Giá tiêu dùng tháng 6 tăng 0,66%

Nhóm giao thông tăng cao nhất chủ yếu do giá xăng dầu tăng cao 3 đợt liên tiếp.

Mặc dù vậy chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2020 vẫn giảm 0,59% so với tháng 12 năm trước và là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, bình quân sáu tháng đầu năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước, lại là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Tỷ giá thương mại hàng hóa bình quân sáu tháng đầu năm 2020 giảm 0,78% so với cùng kỳ năm 2019 phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.

Trong tháng 6 có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,44%, trong đó lương thực giảm 0,4% do giá gạo giảm 0,45%; thực phẩm tăng 0,72%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,15%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,09% do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát trong mùa hè tăng cao; nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,07%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục cùng tăng 0,01%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,19%.

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá giảm, gồm nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,42% chủ yếu do giá điện trong tháng giảm 2,72% và giá thuê nhà ở giảm 0,09%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,01%.

Riêng nhóm may mặc, mũ nón, giày dép không thay đổi.

Không trong rổ tính CPI, giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những bất ổn toàn cầu khác, chỉ số giá vàng tháng 6/2020 tăng 1,71% so với tháng trước.

Ngược lại, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6 giảm 0,58% so với tháng trước.

Nguồn: Nhân dân điện tử