EU- Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận lịch sử giải quyết khủng hoảng di cư

Dòng người di cư đến châu Âu sẽ được kiểm soát còn Thổ Nhĩ Kỳ đạt được bước tiến trong tiến trình gia nhập EU.

Lãnh đạo 28 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã đạt được sự thống nhất về một kế hoạch hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư trong Hội nghị thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ, diễn ra tối 29/11 tại Brussels (Bỉ).

Các nước EU hiện nay đang phải vật lộn để đối phó với dòng người di cư. Đặc biệt các cuộc tấn công khủng bố gần đây tại Paris đã gia tăng mối quan ngại về các phần tử khủng bố có thể trà trộn trong dòng người di cư để vào châu Âu.

Còn Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào căng thẳng chưa từng có với Nga và trong thời gian tới sẽ gánh chịu nhiều tổn thất khổng lồ từ các biện pháp trừng phạt của Nga sau vụ máy bay Su-24 bị bắn rơi vừa qua. Giới phân tích cho rằng, bối cảnh trên là nguyên nhân khiến EU và Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng đạt được sự thống nhất hơn, khác hẳn khoảng cách bất đồng lớn trong những tuần trước đây.


Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk  và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu chào đón sự hợp tác giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết khủng hoảng di cư

Giảm thiểu nguy cơ cho EU

EU nhất trí hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ 3 tỷ euro để cải thiện điệu kiện sống của 2,2 triệu người tị nạn Syria đang ở tại nước này. Điều này được cho là sẽ giúp giữ chân họ ở lại Thổ Nhĩ Kỳ lâu hơn thay vì phải liều mạng vượt biển tới các đảo của Hy Lạp và Italy để tiến sâu hơn vào châu Âu.

Các nhà lãnh đạo EU ca ngợi hiệp định này là một bước tiến quan trọng hướng tới việc giảm số lượng người tị nạn xin gia nhập vào khối này. Cùng với những nỗ lực hiện tại để siết chặt biên giới, EU tin rằng thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất đối với châu lục này từ sau Thế chiến 2.

Trước đó, trả lời tờ Thời báo Thương mại Đức ngày 27/11, Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực Sử dụng đồng euro (Eurogroup), ông Jeroen Dijsselbloem cho rằng Hiệp ước Shengen (miễn thị thực giữa nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu – EU) có nguy cơ đổ vỡ nếu châu Âu không thể kiểm soát được cuộc khủng hoảng di cư đang tạo ra quá nhiều rủi ro.

Trong những tháng gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành điểm trung chuyển chính cho người tị nạn từ Syria và các nơi khác để vào EU, với cuộc hành trình đường biển ngắn từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp. Năm nay, hơn 700.000 người di cư đã đến trong EU thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, theo Tổ chức Di cư Quốc tế.

Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết sẽ gia tăng hoạt động tuần tra tại biển Aegean và các đường biên giới với Hy Lạp và Bulgaria cũng như tăng cường hoạt động trấn áp các băng đảng buôn bán người. Nước này cũng đồng ý tiếp nhận những người nhập cư bị châu Âu từ chối.

Các quan chức EU tin rằng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ là cách tốt nhất để giảm dòng người tị nạn và nhấn mạnh rằng Ankara đã rất hiệu quả trong việc ngăn cản những người tị nạn đến đất nước này những năm trước đây.

Cơ hội của Thổ Nhĩ Kỳ

“Ngày hôm nay là một ngày lịch sử trong tiến trình hội nhập vào EU của chúng tôi. Tôi xin được bày tỏ sự cảm ơn đối với tất cả các nhà lãnh đạo châu Âu vì sự khởi đầu mới này”, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu phát biểu trước báo giới tại Brussels.

Các nhà lãnh đạo EU đã cam kết sẽ thực hiện đàm phán về tiến trình gia nhập liên minh này của Thổ Nhĩ Kỳ- động thái có khả năng được thông qua vào ngày 14/12 tới, cũng như việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh 2 năm/ lần giữa quan chức EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, ngày 26/11 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cho biết chương 17 trong chương trình thảo luận liên quan đến chính trị, kinh tế, tiền tệ sẽ được tiến hành vào giữa tháng 12 tới.

EU cũng cho biết sẵn sàng đẩy nhanh quá trình miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đi du lịch châu Âu. Dự kiến EU sẽ dỡ bỏ thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 10/2016.

Việc trở thành thành viên EU là một điều mà Ankara mong đợi bởi nước này đang muốn cải thiện quan hệ với các nước láng giềng châu Âu sau nhiều năm quan hệ đi xuống.

Cần giải quyết mâu thuẫn cốt lõi

Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, sẽ còn một số khó khăn, thách thức khi thực hiện thỏa thuận này giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Đức với một số nhà lãnh đạo châu Âu vài giờ sau Hội nghị thượng đỉnh EU với Thổ Nhĩ Kỳ, các nước EU vẫn không nhất trí được con số cụ thể nào về việc tái định cư ngay lập tức cho một số người tị nạn Syria đến từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Ủy ban châu Âu đề xuất trích 500 triệu euro từ ngân quỹ của EU và yêu cầu các quốc gia thành viên đóng góp phần còn lại. Tuy nhiên, các thành viên EU không nhất trí. Còn Chủ tịch Dijsselbloem đã nhấn mạnh sự thiếu đoàn kết trong EU cũng như các nước không có quyết tâm chính trị trong việc chia sẻ gánh nặng và kiểm soát biên giới ngoài của EU tốt hơn.

Giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ cũng còn tồn tại sự mất lòng tin khi EU khẳng định sẽ có sự kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thực tế gói cứu trợ lớn lần này. Một thiết bị theo dõi điện tử sẽ được lắp đặt nhằm kiểm tra xem liệu Thổ Nhĩ Kỳ có tuân thủ các cam kết không.

Còn phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng không đảm bảo được những thỏa thuận trên liệu có thể giảm thiểu một cách hiệu quả số người di cư và tị nạn vào EU thông qua nước này hay không. Ông Davutoglu cho biết không thể đưa ra cam kết rằng số lượng người di cư tới châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ giảm.

Liên quan đến tiến trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà lãnh đạo khối này cũng đã tuyên bố rõ ràng rằng sẽ không có “lối tắt”. “Vấn đề này (việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU) là không thay đổi”, Tổng thống Pháp François Hollande cho biết sau khi rời hội nghị để tham dự thượng đỉnh khí hậu toàn cầu.

Thổ Nhĩ Kỳ được công nhận đủ tư cách gia nhập EU vào năm 1997 và chính thức bắt đầu tiến trình gia nhập vào năm 2005, song các cuộc đàm phán không đạt được tiến triển do một số vấn đề còn vướng mắc.

Một phần của thỏa thuận ngày 29/11 là EU xúc tiến chuẩn bị đàm phán về các nội dung hiện đang còn lại trong 3 tháng đầu tiên 2016. Điều đó có nghĩa là các cuộc đàm phán về mặt lý thuyết có thể bắt đầu vào các vấn đề chính này trong năm tới, bao gồm tư pháp, năng lượng, quốc phòng và chính sách đối ngoại.

Tuy nhiên, Cộng hòa Séc, chính phủ không được Ankara công nhận, đã từ chối việc bàn luận về 5 chương cụ thể trêntrong tuyên bố chung EU-Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk nhấn mạnh rằng hội nghị thượng đỉnh này chủ yếu nhằm giải quyết vấn đề người di cư thay vì cải thiện mối quan hệ giữa EU và Ankara.

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu trở nên căng thẳng trong mấy năm gần đây khi Tổng thống Tayyip Erdogan củng cố quyền lực và bị chỉ trích là chèn ép đối thủ chính trị, truyền thông và người Kurd thiểu số.

Hàng chục nghìn người di cư hiện vẫn đang mắc kẹt tại các khu vực biên giới bị đóng cửa ở khu vực Balkan trong thời tiết lạnh giá của mùa đông châu Âu và cuộc khủng hoảng di cư vẫn cần những động thái hợp tác thực sự trong nội bộ EU và giữa EU- Ankara qua việc nhanh chóng thực thi những giải pháp thiết thực.

Nguồn Tổ quốc