Dùng thuế bình ổn giá xăng dầu

Từ 16 giờ ngày 26-10, giá bán lẻ các loại xăng dầu trong nước được phép điều chỉnh lên giá bán mới với mức tăng hơn 1.400 đồng/lít (với xăng) và hơn 1.000 đồng/lít (với dầu). Giá xăng dầu thế giới đã tăng cao nhất trong 7 năm qua, trong khi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã gần như cạn kiệt, giải pháp khả thi nhất hiện nay là cần giảm các loại thuế để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng và doanh nghiệp.
 Giảm thuế, phí để giảm giá xăng

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP ngày 26-10, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng, giá xăng tăng cao sẽ có tác động rất lớn, nhất là đối với chi phí đầu vào của các ngành sản xuất và tiêu dùng trực tiếp như vận tải, đánh bắt cá xa bờ, nông nghiệp sử dụng xăng dầu…, đồng thời tác động tới mặt bằng giá, dẫn tới nguy cơ lạm phát. Trong bối cảnh hiện nay, có 2 cách giảm hoặc ổn định giá xăng dầu. Trong bối cảnh Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tương đối cạn kiệt vì “xả” liên tục nhiều tháng qua, chỉ có thể sử dụng giải pháp giảm các loại thuế.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), trong cơ cấu hình thành giá xăng dầu hiện nay, thuế và phí chiếm hơn 40% và xăng dầu đang phải gánh 4 loại thuế, gồm: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường (chưa kể thuế thu nhập do doanh nghiệp gánh). Trong đó, riêng thuế môi trường với mỗi lít xăng đang ấn định cứng ở mức 3.000-4.000 đồng/lít do người tiêu dùng chịu. Nếu xem xét giảm các khoản thuế này cùng với điều hành linh hoạt và hiệu quả Quỹ Bình ổn giá, chúng ta sẽ kiểm soát được đà tăng.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết, cùng với sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công thương sẽ báo cáo Chính phủ, kiến nghị một số giải pháp. Trong đó có đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính giảm thuế, phí như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và nhất là thuế bảo vệ môi trường. Để ngăn ngừa nguy cơ lợi dụng giá xăng dầu tăng, chiều 26-10, Bộ Công thương cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có.

Dùng thuế bình ổn giá xăng dầu ảnh 1
Điều chỉnh giá xăng vào chiều 26-10. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Người dân giảm chi tiêu khi giá xăng tăng

Đề cập nguyên nhân giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết, do nhiều nền kinh tế đang dần hồi phục sau khi kiểm soát được dịch Covid-19 nên nhu cầu đi lại, sản xuất tăng cao. Giá xăng dầu thế giới tăng cao là yếu tố quan trọng tác động tới giá xăng dầu trong nước và được dự báo khó giảm trong thời gian tới.

PGS-TS Ngô Trí Long nhận định, nhiều người dự báo giá dầu có thể tăng tới 100 USD/thùng. “Theo tôi khó có khả năng lên 100 USD”, ông Long nói và nêu dẫn chứng, sở dĩ khẳng định như vậy vì vừa rồi giá dầu tăng cao là do kinh tế thế giới hồi phục nhưng sự hồi phục này chỉ có tính chất nhất thời. Dịch bệnh vẫn có nguy cơ tái phát, diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia (như châu Âu đang bắt đầu). Quan trọng hơn, giá dầu thế giới tăng quá cao sẽ dẫn tới sản xuất co hẹp lại, nhu cầu cũng giảm trở lại. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chắc chắn không muốn như vậy.

Trước đó, đánh giá về việc giá xăng dầu trong 9 tháng năm 2021 tăng bình quân 24,1%, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng, giá xăng dầu tăng không chỉ làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho CPI tăng 0,36 điểm phần trăm và làm GDP giảm khoảng 0,5%. Đây là mức giảm ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế. Chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình nên khi giá xăng dầu tăng cao, người dân sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu – làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Nguồn SGGP