Du học sinh nước ngoài cùng vui Tết Việt Nam

Ngày 15-1, tại Trường ĐH Hà Nội, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp Hội Sinh viên Việt Nam TP Hà Nội đã khai mạc chương trình giao lưu văn hóa “Gặp gỡ Việt Nam” dành cho du học sinh nước ngoài tại Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi các chương trình công tác Hội và phong trào sinh viên năm 2016 – 2017, với mục đích vun đắp tình cảm hữu nghị giữa sinh viên Việt Nam với bạn bè quốc tế đang học tập, nghiên cứu tại các cơ sở trên địa bàn thành phố.

“Gặp gỡ Việt Nam” là cơ hội cho sinh viên Việt Nam tham gia vào các hoạt động giao lưu quốc tế, nâng cao kỹ năng hội nhập, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới bạn bè khu vực và quốc tế.

Lần đầu tiên tham gia vào một chương trình giao lưu văn hóa dành cho du học sinh nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt vào thời điểm sát Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Anousa Inthaboualy, du học sinh Lào tại Học viện Ngoại giao, đã cảm nhận được một không khí ấm cúng, sum họp của Tết Việt khi cùng các bạn sinh viên Việt Nam tham gia vào cuộc thi gói bánh chưng và trang trí mâm ngũ quả ngày Tết. Là một du học sinh người Lào đang theo học tại Học viện Ngoại giao đã ăn Tết nhiều năm tại Việt Nam, Vilaysack Phandanouvong càng tỏ ra thích thú mỗi dịp Tết đến Xuân về, cũng là lúc được thưởng thức các món ăn truyền thống ngày Tết của người Việt: bánh chưng, hành kiệu, canh măng, thịt đông, nem rán,…

“Lần đầu tiên được trải nghiệm những trò chơi dân gian ngày Tết của Việt Nam, tôi cảm thấy rất thích thú với những kỷ niệm không thể nào quên tại nơi đây”, Ouanyang Onlasi, du học sinh Lào học tập tại Học viện Ngoại giao chia sẻ.

Ouanyang Onlasi, Vilaysack Phandanouvong và Anousa Inthaboualy, du học sinh Lào tại Học viện Ngoại giao.

Một du học sinh Campuchia đang theo học tại Trường ĐH Xây dựng, Vornn Channthoeurn, cũng cho biết, “Bánh chưng ngày Tết ở Campuchia cũng có, nhưng vị đặc trưng của món ăn này tại Việt Nam hoàn toàn khác, mang đậm phong vị của văn hóa dân gian người Việt; và đây sẽ là điều khiến cho tôi vô cùng thích thú được giới thiệu tới bạn bè của mình khi trở về nước”.

Vornn Channthoeurn, du học sinh Campuchia tại Trường ĐH Xây dựng.

Là du học sinh Liên bang Nga học tập tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Yarik Tokarev, ăn Tết năm thứ hai tại Việt Nam nhấn mạnh rằng, Tết được coi là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam. Chính vì vậy, cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài trong đó có Liên bang Nga, dù không có cơ hội để về Việt Nam ăn Tết, nhưng cứ đến mỗi dịp này họ lại tạm gác những lo âu bộn bề để cùng nhau sum vầy bên mâm cơm gia đình ngày Tết.

Yarik Tokarev, du học sinh Nga tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Trong khuôn khổ chương trình, các du học sinh còn được tham gia vào nhiều hoạt động giao lưu bổ ích và ý nghĩa, như cuộc thi gói bánh chưng, thi trang trí mâm ngũ quả ngày Tết; tham gia vào các trò chơi dân gian Việt Nam như bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập niêu, đi cà kheo, đi cầu khỉ, nặn tò he, nhảy sạp, kéo co; đặc biệt là xin chữ đầu năm.

Thi gói bánh chưng.

Nhảy sạp.

Trang trí mâm ngũ quả ngày Tết.

Nặn tò he.

Bịt mắt đập niêu.

Đi cầu khỉ.

Bịt mắt bắt vịt.

Đây là một chương trình vô cùng ý nghĩa với sự tham gia của rất nhiều du học sinh đến từ 17 quốc gia đang theo học tại các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố.

Ca khúc “Việt Nam, quê hương tôi” qua phần thể hiện của du học sinh Trung Quốc tại Hà Nội.

Nguồn Nhân dân