- Đấu thầu thành công 3.400 lượng vàng, giá hơn 81 triệu đồng/lượng. - Viện kiểm sát công bố cáo trạng truy tố cha con Trần Quí Thanh chiếm đoạt hơn 1.048 tỷ đồng. - Tiền Giang hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024. - Hai người đến từ TP HCM cùng nhận giải Jackpot 1 trị giá 314 tỉ đồng của Vietlott. - Tính từ đầu năm 2024, Tiền Giang ghi nhận 433 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 98% so với cùng kỳ). - Khởi tố Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk. - TP. Đà Nẵng triệt phá đường dây cá độ bóng đá quy mô 50 tỉ đồng. - Xả hơn 7 triệu m³ nước hồ Dầu Tiếng về sông Vàm Cỏ Đông để đẩy mặn. - Gần 29.000 tàu cá ở nước ta đã gắn thiết bị giám sát hành trình - Sẽ chấm dứt hợp đồng nếu Thuận An chậm thi công kênh Tham Lương - Bến Cát...

Dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Philippines

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế của Philippines trong quý III/2016 vẫn đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất khu vực châu Á. Với đà này, các chuyên gia kinh tế dự báo, kinh tế Philippines sẽ tiếp tục khởi sắc trong những năm tới.

Trong quý III/2016, kinh tế Philippines tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa: Reuters)

Trong một thông báo đưa ra ngày 17/11, Thứ trưởng Bộ Kinh tế kế hoạch Philippines Rosemarie Edillon cho biết, trong quý III/2016, kinh tế Philippines đã tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ năm 2015 và cao hơn mức 6,8% dự đoán trước đó. Nguyên nhân khiến kinh tế Philippines khởi sắc là do hoạt động đầu tư tăng, nhất là vào xây dựng và hạ tầng cơ sở cùng với chi tiêu dùng tăng trong khi tỉ lệ lạm phát và mức lãi suất ở mức thấp.

Theo Bộ trưởng Rosemarie Edillon, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Philippines trong quý III/2016 là dấu hiệu đáng mừng song nước này cần đạt mức tăng trưởng 6,9% trong quý cuối cùng của năm 2016 để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 – 7% trong cả năm 2016.

Các chuyên gia đang bất ngờ trước hoạt động kinh tế khởi sắc của Philippines sau khi Tổng thống Duterte đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại về chiến dịch truy quét và trấn áp tội phạm ma túy mà ông đang tiến hành.

Liên quan đến dự báo tăng trưởng kinh tế của Philippines, trong một báo cáo cập nhật công bố ngày 3/10, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Philippines có thể tăng trưởng 6,4% trong năm 2016, tăng 6,2% vào năm 2017 và năm 2018. Lĩnh vực dịch vụ sẽ duy trì là động lực tăng trưởng chính, với dự kiến tăng 7% trong năm 2016 và 6,8% trong các năm 2017 và năm 2018. Ở lĩnh vực nông nghiệp, báo cáo cho rằng năng suất nông nghiệp tăng sẽ giúp thúc đẩy triển vọng tăng trưởng, dẫn đến tăng trưởng toàn diện hơn.

Cùng với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Philippines trong năm 2016 lên 6,4%, cao hơn mức 6% đưa ra hồi tháng 3 vừa qua. Giám đốc quốc gia ADB tại Philippines cho biết, triển vọng cho nền kinh tế Philippines vẫn mạnh nhờ đầu tư và tiêu thụ trong nước đều tăng. Chính sách tài khóa của Philippines dự kiến sẽ được tăng cường vào năm 2017, với dự toán chi ngân sách tăng 11,6% so với mức ngân sách của năm nay, trong đó dành nguồn ngân sách đáng kể phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và an sinh xã hội. ADB cho rằng, sự thay đổi về thuế, bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân thấp hơn sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và củng cố đà tăng trưởng của nước này.

Đồng quan điểm với hai thể chế tài chính trên, các chuyên gia kinh tế dự báo, nền kinh tế Philippines sẽ tăng trưởng mạnh trong hai năm tới do đầu tư tăng mạnh, tiêu dùng cá nhân tăng, cùng với đó là việc Chính phủ Philippines xúc tiến kế hoạch cải cách chính sách thuế và hành chính, giám sát chi tiêu công, thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Dịch vụ, lĩnh vực gia công phần mềm và phát triển du lịch được dự báo sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng kinh tế của quốc gia này.

Được biết, trong 5 năm qua, nền kinh tế Philippines tăng trưởng trung bình 6,3% và đây là mức tăng cao nhất trong vòng 4 thập niên trở lại đây./.

ĐCSVN

0 Bình luận

Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.

Gửi bình luận

 


 
*