Đông Phi đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm

 

Hạn hán nghiêm trọng tại Đông Phi
(Ảnh: Maxisciences)

           Kể từ giữa tháng 7 đến nay, Liên hợp quốc đã liên tục huy động các nguồn lực nhằm khắc phục tình hình hạn hán tồi tệ đang hoành hành tại 5 quốc gia thuộc khu vực phía Đông châu Phi, đẩy hàng triệu người dân vào cảnh đói nghèo và buộc phải di cư khỏi quê hương.

Sau khi khoản hỗ trợ đầu tiên của Liên hợp quốc tới Somalia vào ngày 13/7 vừa qua, Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trong chuyến thăm các trại tị nạn ở Kenya cuối tuần qua, cũng đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần tăng cường trợ giúp cho 5 quốc gia thuộc châu Phi vốn đang phải gánh chịu hạn hán trầm trọng trong mùa hè năm 2011 là: Somalia, Kenya, Ethiopia, Ouganda và Djibouti.

Tuần trước, Tổng Thư Ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp người đứng đầu các cơ quan Liên hợp quốc để đối phó với tình trạng khủng hoảng lương thực tại vùng Sừng châu Phi. Theo ông, hạn hán nghiêm trọng tại khu vực này đã gây nên một cuộc khủng hoảng nhân đạo thê thảm cần phải được khẩn cấp đối phó.

Theo chuyên gia Ralf Südhoff của Chương trình Lương thực Liên hợp quốc (WFP), lượng mưa ở khu vực Sừng châu Phi là thấp nhất trong vòng 60 năm qua. Không những thế, những khu vực bị nạn “hạn hán thế kỷ” tác hại nặng nề nhất lại là những khu vực nghèo nhất. Chưa chịu tác động của hạn hán, người dân ở đây đã lâm vào cảnh bần cùng, chật vật kiếm kế sinh nhai.

Gần 10 triệu người, trong đó có 2 triệu trẻ em bị thiếu lương thực, 500.000 trong số các trẻ em này đang có nguy cơ tử vong cao. Theo các đánh giá mới nhất, trong vòng 3 tháng tới, sẽ cần khoảng 22,5 triệu euro để ứng phó với tình hình đang ngày càng trở nên tồi tệ này trong khi tiếp tục chờ đợi những cơn mưa mùa thu sẽ đến làm xoa dịu tình hình.

Vốn đã phải chịu tác động bởi cuộc nội chiến từ 20 năm nay, hơn 400.000 người dân Somalia buộc phải rời bỏ đất đai để lánh nạn sang những khu vực xung quanh thủ đô Mogadiscio, nơi giá của một túi lúa mỳ tăng từ 5 lên 45 euro. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, mỗi ngày, 1.300 người Somalia khác tiếp tục gia nhập vào đội ngũ 380.000 người tị nạn trong các trại Dadaab, ở Kenya.

Ngày 15/7 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng thông báo cho biết, rất nhiều trường hợp mắc bệnh tiêu chảy ra máu tập trung ở Ethiopia, cũng như nhiều quốc gia khác. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng bệnh dịch này không gì khác chính là do hạn hán khốc liệt. Các triệu chứng của dịch tả cũng bắt đầu xuất hiện và nguy cơ bùng phát cao. Theo phát ngôn viên của WHO, Tarik Jasarevic, “tổng số, 8,8 triệu người đang bị bệnh sốt rét và 5 triệu người bị mắc tả tại Ethiopia”.

Không thể phủ nhận, mức độ nghiêm trọng của tình hình hạn hán sẽ tỷ lệ thuận với tốc độ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt tại các quốc gia đói nghèo như châu Phi./.