Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ

1

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Ngày 6-4, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội (QH) khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ 14. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường tiến hành quy trình miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.

Dưới sự điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, QH đã nghe Chủ tịch nước Trần Đại Quang đọc Tờ trình về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Sau khi nghe Tờ trình, các đại biểu thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.

Mở đầu phiên họp buổi chiều, các đại biểu QH đã nghe Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc, thay mặt Ủy ban TVQH báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ; nghe Chủ tịch nước Trần Đại Quang báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. QH đã tiến hành miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Nguyễn Tấn Dũng bằng hình thức bỏ phiếu kín, với kết quả 418 đại biểu tán thành, bằng 84,62% tổng số đại biểu QH.

Tiếp đó, các đại biểu QH nghe Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, QH thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, với 430 đại biểu tán thành, bằng 87,04% tổng số đại biểu QH. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ khi QH bầu được Thủ tướng Chính phủ mới.

Thay mặt QH, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa và trân trọng gửi lời cảm ơn đến đồng chí Nguyễn Tấn Dũng vì những đóng góp to lớn trong suốt thời gian đồng chí giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ.

Tại hội trường, các đại biểu QH nghe Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để QH bầu Thủ tướng Chính phủ. Theo Tờ trình, người được giới thiệu ứng cử để QH bầu Thủ tướng Chính phủ, thay thế đồng chí Nguyễn Tấn Dũng là đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Dược (sửa đổi).

Cuối phiên họp buổi chiều, các ĐBQH thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ. Quy trình bầu Thủ tướng Chính phủ diễn ra vào sáng nay, 7-4.

Trước đó, trong chương trình làm việc buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, các đại biểu QH tiến hành biểu quyết thông qua Luật Tiếp cận thông tin; Luật Dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi).

Luật Tiếp cận thông tin gồm năm chương, 37 điều đã được QH thông qua với tỷ lệ 88,46% số đại biểu tán thành. Luật có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2018. Luật quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện việc tiếp cận thông tin; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Theo đó, mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng – an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Tiếp cận thông tin của Ủy ban TVQH cho biết, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị bổ sung tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh, quy định điều chỉnh đối với công dân Việt Nam và cả người nước ngoài cư trú tại Việt Nam (chuyển từ quy định tại khoản 1 Điều 36 của dự thảo Luật); đồng thời quy định rõ cả việc áp dụng đối với người Việt Nam cư trú tại nước ngoài. Ủy ban TVQH nêu rõ, Hiến pháp xác định rõ quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của công dân. Do vậy, Luật Tiếp cận thông tin thể chế hóa quy định này của Hiến pháp, bảo đảm để công dân nước CHXHCN Việt Nam được thực hiện đầy đủ quyền của mình.

Hơn nữa, đối với việc người nước ngoài muốn được tiếp cận thông tin của các cơ quan nhà nước Việt Nam thì phải tùy thuộc vào mục đích và điều kiện, khả năng đáp ứng của các cơ quan nhà nước Việt Nam, nên không thể quy định cứng, đây là quyền đương nhiên của người nước ngoài như của công dân Việt Nam. Trong trường hợp người nước ngoài muốn tiếp cận thông tin của Việt Nam để phục vụ cho việc đầu tư, kinh doanh, du lịch… tại Việt Nam thì trong các văn bản pháp luật chuyên ngành đã có quy định. Đồng thời, trên các trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp liên quan đều đăng tải những thông tin cơ bản về các vấn đề này, rất thuận lợi để mọi người đều có thể tiếp cận. Do vậy, quy định vấn đề cho phép người nước ngoài được tiếp cận thông tin trong một số trường hợp nên để quy định tại khoản 1 Điều 36 của dự thảo luật với tính chất là điều khoản áp dụng là phù hợp.

Với 88,06% số đại biểu tán thành, Luật Dược (sửa đổi) gồm 14 chương, 116 điều đã được QH thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017. Luật quy định chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; hành nghề dược; kinh doanh dược; đăng ký, lưu hành, thu hồi thuốc và nguyên liệu làm thuốc; dược liệu và thuốc cổ truyền; đơn thuốc và sử dụng thuốc; thông tin thuốc, cảnh giác dược và quảng cáo thuốc; dược lâm sàng; quản lý thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thử thuốc trên lâm sàng và thử tương đương sinh học của thuốc; quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc và quản lý giá thuốc. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan hoạt động dược tại Việt Nam…

Sáng qua, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế gồm bốn điều đã được QH thông qua với 86,64% số đại biểu tán thành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) gồm năm chương, 22 điều đã được QH thông qua với 91,30% số đại biểu QH tán thành. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2016.

Nguồn http://nhandan.com.vn/