Đối thoại Mỹ – Trung Quốc: Điểm khởi đầu

Trong 2 ngày 18 và 19-3 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ gặp trực tiếp Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị tại Alaska (Mỹ). Đây là cuộc gặp quan trọng đầu tiên giữa Mỹ – Trung Quốc dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden nên rất thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như nhận định, đánh giá của các chuyên gia.
s1e_xkak
Trái qua phải các ông: Vương Nghị, Dương Khiết Trì (Trung Quốc), Antony Blinken và Jake Sullivan (Mỹ)

Thẳng thắn

Một số chuyên gia nhận định tích cực khi cho rằng, sự kiện cho thấy thiện chí và nỗ lực của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong việc giải quyết những bất đồng. Cuộc gặp là cơ hội để 2 nước giảm bớt thái độ đối đầu, mở ra triển vọng cho các cuộc tiếp xúc cấp cao nhằm tìm kiếm điểm chung, gác lại bất đồng và hướng tới cài đặt lại quan hệ song phương. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, cuộc gặp lần này sẽ khó có thể đạt được kết quả nhất định khi hai bên vẫn còn quá nhiều bất đồng cũng như sẽ giữ vững lập trường, quan điểm của mình trong nhiều vấn đề cần giải quyết.

Chia sẻ với báo Izvestia về chương trình nghị sự của cuộc đối thoại, ông Stephen Nagy, chuyên gia Khoa chính trị và Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Cơ đốc giáo quốc tế Tokyo, cho rằng: “Tại cuộc gặp đầu tiên, Mỹ sẽ chuyển đến Trung Quốc quan điểm rằng, nếu Bắc Kinh không có những động thái thay đổi, Washington sẽ tiếp tục gia tăng sức ép trong các lĩnh vực an ninh, ngoại giao, thương mại và kinh tế”. Theo ông Nagy, Mỹ sẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt “chèn ép kinh tế” đối với các đồng minh của Mỹ, chẳng hạn như Australia, cũng như tiết chế các hành vi gây căng thẳng ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nhận định, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh là “thử thách địa chính trị lớn nhất thế kỷ 21”. Ông cho rằng cuộc gặp ở Alaska là “một cơ hội quan trọng để bày tỏ ý kiến một cách rất thẳng thắn về nhiều vấn đề mà Mỹ và Trung Quốc đang gặp phải”.

Không nhượng bộ

Ngày 18-3, trước thềm cuộc họp tại Alaska, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ không có bất kỳ sự nhượng bộ nào với Mỹ về những vấn đề then chốt, trong đó có Tân Cương và Hồng Công. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nêu rõ: “Trung Quốc không có bất kỳ thỏa hiệp nào về các vấn đề liên quan tới chủ quyền, an ninh và những lợi ích cốt lõi”.

Cùng ngày, trang mạng của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington (Mỹ) đã đăng tải nội dung trả lời cuộc phỏng vấn chung của Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải với Tân Hoa xã, kênh CGTN và hãng Phoenix TV về cuộc gặp tại bang Alaska. Trong đó, Đại sứ Thôi Thiên Khải nhấn mạnh, cả Washington và Bắc Kinh đều coi trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc đối thoại. Mặc dù không kỳ vọng cuộc đối thoại có thể giải quyết tất cả các vấn đề giữa hai bên, song ông hy vọng đây sẽ là điểm khởi đầu cho quá trình đối thoại và trao đổi thông tin một cách thẳng thắn, mang tính xây dựng và hợp lý.

Bên cạnh đó, Đại sứ Thôi Thiên Khải cũng lên tiếng phản đối và khẳng định sẽ thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết trước việc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố các lệnh trừng phạt đối với 24 quan chức Trung Quốc liên quan vấn đề Hồng Công. Ông cũng nhấn mạnh, Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ hoặc thực hiện bất kỳ thỏa hiệp nào về những vấn đề như vậy chỉ để tạo ra một “bầu không khí” thân thiện. Ông Thôi Thiên Khải lưu ý rằng, Trung Quốc sẽ không “cúi đầu” trước bất kỳ áp lực và yêu sách đơn phương nào.

Ngày 18-3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, tại thời điểm này, chủ đề một cuộc gặp tiềm năng giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden không nằm trong chương trình nghị sự tại cuộc gặp ở Alaska. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong cuộc họp báo thường kỳ lại cho hay, trong cuộc gặp, hai bên có thể thảo luận bất kỳ vấn đề nào cùng quan tâm, trong đó có cả hoạt động trao đổi cấp cao.

Nguồn SGGP