Độc đáo võ cổ truyền Việt Nam: Nhìn ra thế giới

       Trong không khí rộn ràng của năm mới, một số võ sư võ cổ truyền mang trọng trách lại đang âm thầm chuẩn bị cho giải quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 3, tổ chức tại TP.HCM vào tháng 7.2012.

Giải dự kiến sẽ có 15 nước tham dự với khoảng 30 đoàn võ thuật. Điểm mới của mùa giải năm nay là ngoài phần hội diễn, thi quyền còn có thi đấu đối kháng. Nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế vô cùng phức tạp, đòi hỏi những người tổ chức phải thật sự chắc tay mới làm được.

Ở giải quốc tế lần 1 và 2 (2006 - 2008), tuy ban đầu còn mới mẻ nhưng trong khí thế hào hùng, các đoàn võ thuật quốc tế thi tài, biểu diễn thành công ngoài mong đợi. Giải quốc tế võ cổ truyền đã được đưa vào hệ thống giải liên đoàn quốc gia. Chúng tôi đã gặp nhiều gương mặt võ sư, võ sĩ các nước, họ đến Việt Nam với tất cả sự háo hức, say mê tìm tòi cái hay cái lạ của võ thuật Việt Nam.

 
Môn sinh nước ngoài biểu diễn tuyệt kỹ phi tiêu cước - Ảnh: C.T

Võ sư Christophe Dalmaz lúc ấy 35 tuổi, làm việc trong ngành văn hóa, thể thao nước Pháp. Trước khi đến với võ cổ truyền, anh đã học qua judo, jujitsu, muay Thái. Có thâm niên 25 năm học võ, Christophe chọn “nhập môn” võ cổ truyền và hiện đang có võ đường riêng với khoảng 150 võ sinh. Giọng nói sôi nổi, Christophe cho rằng: “Cái khác biệt của võ cổ truyền là ngoài học kỹ thuật chiến đấu, mọi người còn nắm bắt được văn hóa, lịch sử và triết lý sống. Như bài Lão hổ thượng sơn, tuy lấy hình tượng muông thú nhưng ý nghĩa sâu xa của nó là vượt qua thử thách nghiệt ngã của cuộc đời. Càng học, càng cảm nhận, tôi càng mê tinh thần văn hóa của võ cổ truyền”.

Nữ võ sĩ hồng đai Cecile Savioz đang làm cho hãng hàng không Corsairfly (Pháp) cũng đã có 5 năm học võ cổ truyền. Ngoài thời gian rong ruổi theo các chuyến bay, khi về lại mặt đất là cô chạy ngay tới võ đường để làm… hướng dẫn viên. Cô gái mang hai dòng máu Pháp - Việt nói từ khi học võ cổ truyền, cô dường như khám phá nhiều điều mới lạ về đất nước có một phần nguồn cội của cô. Hàng mấy trăm con người từ nhiều vùng đất trên thế giới về với đất tổ võ cổ truyền đều có một tấm lòng yêu mến Việt Nam. Họ đến từ Pháp, Nga, Ý, Thụy Sĩ, Mỹ… Qua con đường võ thuật, đất nước Việt Nam dường như xích gần lại hơn với bạn bè thế giới.

Việt Nam cũng đã tổ chức thành công 3 kỳ liên hoan quốc tế võ cổ truyền tại miền đất võ Tây Sơn - Bình Định. Đây là sự kiện lớn, đậm đà bản sắc văn hóa, lôi cuốn hàng chục ngàn du khách cả nước tham dự. Những ai đã từng tham dự liên hoan võ thuật chắc chắn cảm thấy lòng tự hào vì dân tộc Việt có một nền võ học thâm hậu, giàu tính nghệ thuật, lôi cuốn nhiều người khắp năm châu theo học.

Để võ cổ truyền có được sự lớn mạnh như ngày hôm nay, ngoài nền móng võ thuật trong nước, còn có biết bao võ sư người Việt lặng lẽ truyền bá võ cổ truyền ở nước ngoài. Thập niên 1940 có trưởng lão Nguyễn Đức Mộc mở võ đường Sơn long quyền thuật tại Pháp. Võ phái này ngày nay phát triển mạnh ở nhiều nước như Canada, Tahiti, Algeria, Libya, Ý, Thụy Sĩ… Những năm 1960, có các võ sư nổi danh như Nguyễn Trung Hòa, Vĩnh Long, Nguyễn Dân Phú, Hồng Sắc Kim… Thế hệ sau này có Phạm Xuân Tòng, Phan Toàn Châu, Nghiêm An Thạch, Nguyễn Công Tốt…

Thử điểm qua một số võ phái, tổ chức võ thuật đang hoạt động mạnh. Môn qwan ki do (quán khí đạo) do võ sư Phạm Xuân Tòng sáng lập đầu năm 1981. Hiện nay, qwan ki do có mặt ở hơn 30 nước. Võ sư Phạm Xuân Tòng là người Việt đầu tiên được Tổ chức FFKDA Pháp phong đai đen 8 đẳng. Võ sư Nguyễn Công Tốt sáng lập môn Việt võ đạo hiện có 50 võ đường tại Pháp và hiện diện ở 15 quốc gia. Tại Bỉ, có võ sư Đồng Văn Hùng với võ phái Tráng sĩ đạo, ở Đức có Chu Tấn Cường với võ phái Võ đạo Việt Nam, Thụy Sĩ có Võ lâm Việt Nam của võ sư Huỳnh Đại Hải. Tổng hội Phát triển võ thuật thế giới do võ sư Lý Hoàng Tùng làm chủ tịch tập hợp nhiều võ phái hoạt động mạnh tại Mỹ. Tại Úc, có môn võ vovido lan rộng đến các trung tâm thể thao và sinh hoạt cộng đồng vùng Tây Úc…

Đầu thập niên 1990, có đợt xuất chinh ào ạt các võ sư võ cổ truyền qua Nga và Belarus “mang chuông đi đánh xứ người”. Ngoài biểu diễn công phu, một số ở lại dạy và truyền bá võ cổ truyền. Có thể kể như võ sư Lê Kim Hòa (Thanh long võ đạo), Lâm Thành Khanh (Hồng gia quyền), Ngô Xuân Bính (Nhất Nam). Tiến sĩ Lê Việt Nga, thời còn du học ở Moscow (Nga) đã giúp đỡ cho nhiều đoàn biểu diễn, khi nhắc lại còn bồi hồi: “Ngày ấy nước bạn lộn xộn và gian khổ lắm. Nhưng chính nhờ công lao các chú, các thầy đi khai phá trong đợt đó mà võ Việt mới phát triển mạnh ở Nga và Đông Âu như ngày hôm nay”.

Võ sư Lê Kim Hòa, võ sư Trương Văn Bảo cũng có nhiều chuyến đi qua các nước châu Âu truyền dạy các bài võ thống nhất làm nền tảng cho việc xúc tiến thành lập Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tại Pháp (2010), Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tại Ý (2011). Một số khu vực của Nga cũng đã thành lập liên đoàn võ cổ truyền. Và theo võ sư Lê Kim Hòa, đại diện các nước Đức, Bỉ, Thụy Sĩ cũng đã liên hệ làm việc với Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam để lên kế hoạch thành lập liên đoàn võ cổ truyền trong thời gian tới.

Với sự phát triển mạnh mẽ trong và ngoài nước, điều kiện để thành lập Liên đoàn Thế giới võ cổ truyền Việt Nam kể như đã chín muồi. Đây không chỉ là thời cơ mà còn là vận hội để võ cổ truyền dân tộc đóng góp sâu sắc hơn vào đối ngoại văn hóa trong thời đại toàn cầu.