Đoàn Đại biểu Quốc hội Tiền Giang làm việc với ngành ngân hàng

(THTG) Ngày 02-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang gồm các đại biểu Nguyễn Hoàng Mai – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đại biểu Lê Quang Trí – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang, Ủy viên Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội và đại biểu Tạ Minh Tâm – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có buổi làm việc với ngành ngân hàng Tiền Giang, nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các ngân hàng, đồng thời báo cáo nội dung, chương trình kỳ họp Quốc hội lần thứ 10 sắp tới.

DBQH lam viec voi ngan hang 3

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Lê Long

Theo dự kiến, kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khoá XIV sẽ diễn ra từ ngày 20/10 đến 17/11. Kỳ họp sẽ cho ý kiến 6 dự án luật và thông qua 6 dự án luật, cùng một số nội dung quan trọng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, đặc biệt là công tác chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa XV.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang đã thông tin đến đại biểu Quốc hội tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Tiền Giang hiện  có 29 chi nhánh ngân hàng thương mại; 02 ngân hàng chính sách; 11 chi nhánh ngân hàng loại 2, trực thuộc Ngân hàng nông nghiệp, 93 phòng giao dịch; 16 Quỹ tín dụng nhân dân.

DBQH lam viec voi ngan hang 1 DBQH lam viec voi ngan hang 2

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang báo cáo tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn. Ảnh: Lê Long

Đến cuối tháng 8/2020, huy động vốn của tỉnh Tiền Giang đạt 72.917 tỷ, tăng 5% so với cuối năm 2019.  Xét về quy mô, huy động vốn của tỉnh đứng hàng thứ 3/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng dư nợ toàn tỉnh đạt 60.304 tỷ, tăng 7,08% so với cuối năm 2019. Quy mô dư nợ của tỉnh đứng hàng thứ hàng thứ 6/13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong vùng. Cũng theo ngành ngân hàng, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng khôi phục sản xuất, tiếp tục đầu tư bởi tác động từ hạn mặn, dịch bệnh, ngành ngân hàng đã có nhiều chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ khách hàng như: miễn, giảm lãi, cho vay mới với mức lãi suất thấp…  nhằm hỗ trợ tích cực các thành phần kinh tế phục hồi do thiên tai gây ra.

DBQH lam viec voi ngan hang 4 DBQH lam viec voi ngan hang 5 DBQH lam viec voi ngan hang 7

Đại diện các ngân hàng phát biểu ý kiến. Ảnh: Lê Long

Sau khi lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng đã chia sẽ những khó khăn, cũng như nêu lên ý kiến, kiến nghị đến Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang một số vấn đề có liên quan đến các chính sách miễn giảm lãi vay, khoanh nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 và hạn mặn; xử lý nợ xấu; tình hình an ninh trật tự, tội phạm công nghệ cao; công tác thu hồi nợ…

DBQH lam viec voi ngan hang 8 DBQH lam viec voi ngan hang 6

Đại biểu Quốc hội giải đáp và tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu. Ảnh: Lê Long

Các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu trong hệ thống ngân hàng tỉnh Tiền Giang đã được Đoàn đại biểu quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang ghi nhận, giải đáp và tổng hợp để trình lên Quốc hội trong kỳ họp tới.

Thùy Trang