Diện tích lúa thu đông ở ĐBSCL giảm mạnh

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, tính đến đầu tháng 9-2017, nông dân các tỉnh ĐBSCL xuống giống lúa thu đông được khoảng 680.000ha tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… 

Xuống giống lúa thu đông tại huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Anh: ĐÀO THỤY

Xuống giống lúa thu đông tại huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Anh: ĐÀO THỤY

Theo kế hoạch ban đầu thì diện tích sản xuất lúa thu đông năm 2017 ở ĐBSCL khoảng 840.000ha. Tuy nhiên năm nay nước lũ về sớm và lớn hơn các năm trước nên ngành nông nghiệp điều chỉnh giảm lúa thu đông xuống khoảng 800.000ha (giảm 40.000ha so kế hoạch); trong đó những vùng ngoài đê bao hoặc đê bao chưa đảm bảo chống lũ thì tuyệt đối không sản xuất lúa thu đông. Ngoài ra, những nơi có điều kiện sản xuất rau màu mùa lũ hoặc nuôi thủy sản mùa lũ, nếu cho hiệu quả kinh tế thì nên áp dụng và giảm trồng lúa thu đông…
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết: “Năm nay tỉnh không chủ trương sản xuất tràn lan lúa thu đông, chỉ khuyến cáo gieo sạ khoảng 70.000 – 80.000ha ở các khu vực có đê bao vững chắc. Những diện tích còn lại thì tận dụng nước về nhiều để khuyến khích nông dân xả lũ, lấy phù sa bồi đắp đồng ruộng, diệt mầm bệnh, cải tạo đất…”.  Tại Đồng Tháp, các ngành chức năng cũng không khuyến cáo nông dân sản xuất lúa thu đông nhiều như các năm trước mà động viên bà con xả lũ lấy phù sa; đồng thời triển khai các phương án khai thác thủy sản mùa lũ để tăng thu nhập.
– Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2017 tình hình xuất khẩu gạo của cả nước được cải thiện đáng kể, với sản lượng xuất khẩu đạt 3,96 triệu tấn, trị giá 1,75 tỷ USD, tăng 19,8% về sản lượng và tăng 17,5% về giá trị so cùng kỳ. Hiện giá lúa khô loại thường tại ĐBSCL dao động khoảng 5.200 – 5.300 đồng/kg, lúa khô hạt dài từ 5.800 – 5.900 đồng/kg; gạo nguyên liệu làm ra gạo 5% tấm dao động từ 7.000 – 7.100 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm từ 6.850 – 6.950 đồng/kg…
Nguồn SGGP